Tin tặc tấn công Facebook của quân đội và các nhà báo Ukraine
Mới đây, Meta (công ty mẹ của Facebook) đã lên tiếng cảnh báo về việc tin tặc xâm nhập vào tài khoản của các quan chức quân đội và nhà báo Ukraine nhằm phát tán thông tin sai lệch.
David Agranovich, giám đốc phụ trách mối đe dọa toàn cầu tại Meta, cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện những nỗ lực tấn công nhắm vào người dùng Ukraine, các tin tặc trong chiến dịch này liên quan đến một hoạt động được gọi là Ghostwriter. Danh tính các nạn nhân hiện không được tiết lộ nhằm bảo vệ quyền riêng tư của họ”.
Trước đó không lâu, Meta đã kích hoạt tính năng ‘lock profile’ (khóa hồ sơ) nhằm giữ an toàn cho người dùng Ukraine. Bên cạnh đó, Twitter cũng đang khuyến khích người dùng kích hoạt xác thực hai yếu tố, một lớp bảo mật bổ sung giúp hacker xâm nhập tài khoản khó hơn.
Ghostwriter sẽ sử dụng email và lừa nạn nhân nhấp vào các liên kết độc hại để đánh cắp thông tin đăng nhập, Agranovich nói. Sau khi xâm nhập thành công email, chúng sẽ tiếp tục đột nhập vào các tài khoản mạng xã hội của nạn nhân và đăng thông tin sai lệch.
Facebook và các nền tảng ứng dụng khác thuộc Meta. Ảnh: AFP
Nathaniel Gleicher, người đứng đầu chính sách bảo mật của Meta, cho biết Ghostwriter đang nhắm mục tiêu đến “một số lượng nhỏ” người dùng Facebook có ảnh hưởng đến công chúng, đơn cử như quan chức quân đội, nhà báo Ukraine…
Mandiant Threat Intelligence, công ty đã thực hiện nghiên cứu về Ghostwriter, cho biết trong một báo cáo được công bố năm ngoái, họ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy nhóm này có mối liên hệ với một tổ chức gián điệp mạng được nhà nước bảo trợ có tên là UNC1151.
“Chúng tôi không thể loại trừ những đóng góp của Nga cho UNC1151 hoặc Ghostwriter. Tuy nhiên, tại thời điểm này, chúng tôi chưa phát hiện ra bằng chứng trực tiếp về mối liên kết này”, Mandiant Threat Intelligence cho biết trong một bài đăng trên blog.
Liên minh châu Âu cho biết trong một thông cáo báo chí vào tháng 9 rằng một số quốc gia thành viên EU đã liên kết Ghostwriter với nhà nước Nga.
Meta hiện đã xóa khoảng 40 tài khoản, trang và nhóm giả mạo trên Facebook, Instagram đến từ Nga và Ukraine. “Những tài khoản này giả mạo một biên tập viên tin tức, cựu kỹ sư hàng không… sau đó đăng tải các câu chuyện sai lệch với nội dung phương Tây phản bội Ukraine và Ukraine là một quốc gia thất bại”, Meta nói.
Các trang web truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, YouTube và TikTok đang tràn ngập thông tin sai lệch, bao gồm cả các video gây hiểu lầm sử dụng cảnh quay cũ để tạo ra hình ảnh sai lệch về những gì đang xảy ra trong thời gian thực.
Meta cho biết họ đang mở rộng năng lực kiểm tra thực tế của bên thứ ba ở Nga và Ukraine, gắn nhãn các nhà xuất bản truyền thông do nhà nước kiểm soát và chặn quảng cáo từ các phương tiện truyền thông nhà nước Nga.
Công ty sở hữu Facebook, Instagram, Messenger và WhatsApp, cho biết họ đã tạo ra một trung tâm hoạt động đặc biệt với các chuyên gia nói tiếng Ukraina và tiếng Nga để kiểm soát kịp thời các hoạt động ở Ukraine.
Nga đã hạn chế một phần quyền truy cập vào Facebook sau khi mạng xã hội này từ chối gắn nhãn nội dung được đăng trên Facebook bởi 4 tổ chức truyền thông nhà nước của Nga.
Cơ quan quản lý viễn thông của Nga Roskomnadzor cáo buộc Facebook đã vi phạm "quyền cơ bản của con người" bằng cách hạn chế các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát.
Quyết định của Google được đưa ra với lý do bảo đảm an toàn cho dân thường trong bối cảnh tình hình chiến sự tiếp tục căng thẳng tại Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]