Tin nhắn, thư rác hết đất sống?
Phát tán tin nhắn, thư rác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật An toàn thông tin mạng (ATTTM) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 là căn cứ pháp lý để bảo vệ lợi ích của cá nhân, tổ chức trước tình trạng mua bán thông tin cá nhân nhằm phục vụ cho các mục đích kinh doanh, quảng cáo, thậm chí lừa đảo trên mạng. Bên cạnh đó, nạn tin nhắn, thư điện tử (e-mail) rác, các cuộc gọi quảng cáo, chào mời sử dụng dịch vụ gây phiền toái cho người dùng cũng sẽ được ngăn chặn triệt để hơn.
Hết thời “quấy rối”
Nhiều năm nay, tình trạng gửi (spam) tin nhắn các thuê bao điện thoại để bán sim, e-mail mời chào mua hàng đã trở thành “chiêu trò” tiếp thị của nhiều cá nhân, công ty quảng cáo khiến người dùng hết sức mệt mỏi khi nhận hàng chục tin nhắn, cuộc gọi liên tục “quấy rối” mỗi ngày.
Theo các chuyên gia viễn thông, nạn tin nhắn rác, thư rác “hoành hành” là do việc mua bán, trao đổi thông tin cá nhân của người dùng diễn ra công khai và công tác quản lý ngăn chặn chưa hiệu quả. Nguyên nhân một phần là do các tổ chức, các doanh nghiệp (DN) viễn thông và người dùng chưa tuân thủ nghiêm các quy định về bảo mật thông tin thuê bao.
Người dùng mạng hy vọng sẽ không bị “quấy rối” bởi tin nhắn, thư rác
Điều 7, Luật ATTTM nghiêm cấm hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác, phát tán thư rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo. Hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Điều 6, Luật Viễn thông cũng quy định: DN viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông. Điều 5, Thông tư 04/2012/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) quy định về quản lý thuê bao di động trả trước cũng nghiêm cấm hành vi mua bán, lưu thông trên thị trường sim đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin thuê bao.
Liên quan đến vấn đề xử lý tin nhắn rác, thư rác, mới đây Bộ TT-TT cũng đã yêu cầu Cục Viễn thông, Thanh tra bộ... hoàn thiện các quy định về quản lý thuê bao trả trước, tập trung xử lý tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ TT-TT sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra sim rác, kích hoạt sim di động trả trước của DN viễn thông. tiến hành kiểm tra đột xuất các hành vi vi phạm như sim rác, tin rác, nhà mạng tự ý kích hoạt dịch vụ trên sim tại các đại lý cũng như các DN viễn thông. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh kiểm tra đột xuất và xử nghiêm những đại lý tự kích hoạt sim trả trước mà chưa đăng ký thông tin thuê bao.
Xây hệ thống chặn tin rác
Bộ TT-TT cho biết đã ban hành Chỉ thị 11/CT-BTTTT về tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn việc mua bán, lưu thông sim di động sai quy định. Bên cạnh đó, các nhà mạng phải rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình bảo vệ thông tin và ngăn ngừa việc truy cập, sử dụng, tiết lộ, sửa đổi và phá hoại trái phép cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân của người dùng. Cục An toàn thông tin chủ trì thiết lập đường dây nóng, hộp thư điện tử, kênh tiếp nhận thông tin trực tuyến trên website… để nhận kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân liên quan đến bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng.
MobiFone và VinaPhone cho biết đã triển khai xây dựng hệ thống chặn hoàn toàn tin nhắn rác được gửi từ các tổng đài nhắn tin nước ngoài; lọc, theo dõi và chặn tin nhắn rác, tin nhắn có nội dung phản cảm từ các số thuê bao gửi tin với tần suất cao trước khi tin được gửi tới khách hàng; phát hiện, khóa các thuê bao phát tán tin nhắn rác. Với việc áp dụng hệ thống Viettel - Antispam từ tháng 6-2015 đến nay, trung bình mỗi ngày Viettel chặn được gần 1 triệu tin nhắn rác có đích đến là thuê bao Viettel, giảm được hơn 90% tin nhắn rác.
Sở TT-TT TP HCM cũng cho biết từ tháng 5-2016, sở này đã yêu cầu các DN viễn thông di động báo cáo quy trình nội bộ về quản lý, cung cấp, phân phối sim trả trước, nêu rõ kết quả quản lý, kiểm tra, giám sát các tổng đại lý bán sim, đại lý bán sim, các điểm đăng ký thông tin thuê bao và các nhân viên phát triển thị trường trong năm 2015. Đề nghị DN báo cáo kế hoạch thực hiện theo quy định tại Chỉ thị 11 trong 5 tháng đầu năm 2016.
Luật đã chính thức có hiệu lực song những ngày gần đây, nhiều thuê bao vẫn liên tục nhận nhiều tin nhắn, thư rác quảng cáo. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết: “Lẽ ra khi ban hành Luật ATTTM, phải có ngay văn bản hướng dẫn thi hành đi kèm. Thực hiện chậm điều này khiến luật chậm đi vào đời sống, chậm xử lý các vi phạm đã được quy định trong luật. Việc chờ nghị định, thông tư đi kèm mới có thể thực hiện khiến người dùng vẫn tiếp tục thiệt hại. Bên cạnh đó, văn bản thi hành luật phải bám sát với thực tế, nghiêm khắc với các hành vi vi phạm để có tính răn đe”.
Có thể khởi kiện Ông Võ Đỗ Thắng, Ủy viên BCH Chi hội An toàn thông tin phía Nam (VNISA phía Nam), cho biết: “Hiện Luật ATTTM đã có hiệu lực, nạn nhân có thể đơn phương hay liên kết với những người cũng bị “quấy rối” tập hợp thông tin để khởi kiện những người phát tán tin nhắn, thư rác. Các cơ quan quản lý cũng cần nhanh chóng ban hành các văn bản thi hành luật để giúp người dùng nhanh chóng, thuận lợi khởi kiện những kẻ phát tán tin nhắn, thư rác” |