Thương mại điện tử: Thị trường đông nhưng vẫn rộng
Sau khi internet có mặt tại Việt Nam vào cuối năm 1997 thì định nghĩa "thương mại điện tử" cũng đã xuất hiện từ năm 2003. Tuy nhiên, nó chỉ chính thức được công nhận từ năm 2006, đến nay vẫn đang phát triển và sắp bùng nổ.
Thương mại điện tử (TMĐT) đã xuất hiện từ lâu, nhưng vì nhiều lý do người dùng Việt Nam vẫn còn e ngại khi tiếp cận với các trang TMĐT. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển, TMĐT đã mở ra "miền đất hứa" màu mỡ cho những nhà đầu tư dám đương đầu thử sức.
TMĐT vẫn đang là "mảnh đất" màu mỡ chưa khai phá hết. (Ảnh minh họa)
Người dùng internet tăng nhanh
Hiện nay, Việt Nam có hàng loạt các trang TMĐT phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau của người dùng, từ mua quần áo, thực phẩm, đồ công nghệ cho đến thẻ cào, vé xem phim, dịch vụ du lịch,… Song thời điểm này chưa phải là “đỉnh điểm” phát triển của TMĐT tại nước ta. Các chuyên gia trong và ngoài nước đều có chung một đánh giá là TMĐT sẽ bùng nổ vào vào khoảng năm 2015 - 2016.
Dựa vào số liệu của EuroMonitor, có thể thấy trong vòng 5 năm trở lại đây, số người dùng internet tại Việt Nam đã tăng hơn 153%, từ 28 triệu lên 43 triệu - chiếm trên 40% dân số. Đây được xem là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của TMĐT trong tương lai, bởi vì TMĐT gắn liền với internet nói chung và người dùng internet nói riêng.
TMĐT gắn liền với internet và web. (Ảnh minh họa)
Còn theo báo cáo mới nhất từ PC World, TMĐT là thị trường đầy tiềm năng tại Việt Nam với 90 triệu người tiêu dùng. Họ có mức thu nhập ngày càng tăng và sẵn sàng chi tiêu cho các mục đích ngoài thiết yếu. Đây là điều kiện tốt cho phát triển TMĐT.
Màu mỡ nhưng không dễ tồn tại và phát triển
Nói vậy không có nghĩa là mọi trang TMĐT đều có thể tồn tại và phát triển dễ dàng. Thực tế cho thấy, nhiều trang TMĐT đã phải đóng cửa chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động như Yahoo! Auctions, muaban24 hay Gophatdat.com. Việc đóng cửa không có nghĩa là mô hình có vấn đề, mà đây là dấu hiệu cho thấy cuộc chơi này dễ gia nhập nhưng phải luôn được đầu tư nguồn lực thỏa đáng, có định hướng phát triển và chính sách tốt thì mới có thể trụ vững trên thị trường.
Tuy nhiên, tại thời điểm khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã kịp thời chọn được cho mình cách thức hiệu quả để vượt qua giai đoạn đó và tiếp tục phát triển. Nổi bật là thương vụ sáp nhập của 123.vn vào 123mua.vn, và hệ thống TMĐT kết hợp này đã phát triển cho tới ngày nay. Sau đó, 123mua.vn đã được FPT mua lại, tạo nên mối kết hợp giữa 123mua.vn và Sendo.vn - trang web TMĐT của FPT. Với những sự sáp nhập nối tiếp như vậy, hệ sinh thái TMĐT của “ông lớn” FPT được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều lợi ích lâu dài cho người dùng.
Liên tục những thương vụ thâu tóm diễn ra tạo nên các trang TMĐT kết hợp.
Phát biểu trước báo giới mới đây, ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc sàn TMĐT Sendo.vn cho biết: “Thương vụ này là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của Sendo.vn trong năm 2014 và giai đoạn tiếp theo. Đây là sự cam kết lâu dài của FPT trong việc phát triển TMĐT tại Việt Nam. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành trang TMĐT có nhiều giao dịch thông qua việc cung cấp các dịch vụ chất lượng với mô hình mua bán đảm bảo”.
Vấn đề bảo mật và chất lượng sản phẩm
Có vẻ như “mô hình mua bán đảm bảo” như trong chia sẻ của ông Linh chính là chìa khóa cho vấn đề mà các doanh nghiệp, cơ quan quản lý TMĐT tại Việt Nam đang khá đau đầu trước nay, bởi bởi lý do phổ biến nhất khiến người dùng Việt Nam còn e dè với việc mua bán trực tuyến chính là vấn đề bảo mật thanh toán và chất lượng sản phẩm.
An toàn thông tin là một vấn đề lớn trong giao dịch trên các sàn TMĐT. (Ảnh minh họa)
Đối với người tiêu dùng, khi mua một sản phẩm trên mạng, người mua không thể “mục sở thị” sản phẩm, mà chỉ có thể nhìn qua ảnh chụp, đọc mô tả. Vì vậy, họ không thể xác thực được những thông tin về sản phẩm cũng như không có cơ sở pháp lý để tin tưởng người bán trong giao dịch của mình. Ngược lại, người bán cũng có thể dễ dàng bị người mua chơi “xỏ” nếu hệ thống TMĐT hoạt động không đảm bảo.
Như mới đây, cộng đồng mạng đang “sốt” với một số vụ việc người mua đánh lừa người bán một cách ngoạn mục để có được món hàng mà không tốn một xu. Theo đó, những kẻ này sẽ giả lệnh chuyển tiền của ngân hàng bằng thủ thuật chỉnh sửa mã nguồn trang web; hay gửi ảnh chụp biên lai chuyển tiền để làm tin, nhưng nhanh chóng hủy yêu cầu chuyển tiền ngay sau khi người bán đã gửi hàng đi.
Để giải quyết cho tình huống này, các trang TMĐT có thể xây dựng hệ thống đánh giá uy tín của người bán, người mua và xác lập điều luật hoạt động chặt chẽ, thậm chí sẵn sàng đứng ra bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Cũng như Thạc sĩ Lương Vĩ Minh, giảng viên bộ môn TMĐT tại Trường ĐH KHTN TP.HCM đánh giá: “Một trong những thách thức lớn nhất đối với các trang TMĐT là tạo dựng niềm tin ở người dùng”.
Chẳng hạn tại Việt Nam, với đặc thù của một trang TMĐT B2B2C (doanh nghiệp với doanh nghiệp, và doanh nghiệp với khách hàng), Sendo.vn tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ trọn gói và đảm bảo từ mua bán đến giao hàng trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, 100% các giao dịch trên Sendo.vn do FPT giao nhận và thanh toán. Điều này cho phép Sendo.vn có thể đánh giá toàn diện, chính xác các gian hàng trên sàn và đưa ra các tư vấn hợp lý cho khách hàng lựa chọn những sản phẩm uy tín, chất lượng.
Tạm kết, TMĐT vẫn đang phát triển tốt và sẽ sớm bùng nổ. Sắp tới hứa hẹn sẽ xuất hiện thêm nhiều trang TMĐT mới, tăng sự canh tranh trên thị trường này. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp phải chú trọng đồng bộ cả chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tính bảo mật và quyền lợi của khách hàng; còn người mua thì phải hết sức tỉnh táo khi chọn lựa dịch vụ, sản phẩm và ở cả bước thanh toán, nhận hàng.