Thương mại điện tử: Cuộc đua 'đốt tiền' đến hồi... đuối sức?
Mặc dù gọi được vốn từ hàng loạt nhà đầu tư quốc tế, nhưng các sàn đang ghi nhận mức lỗ rất lớn, như Tiki lỗ 1.200 tỉ đồng, Shopee lỗ lũy kế gần 2.700 tỉ đồng, Lazada lỗ lũy kế hơn 5.300 tỉ đồng trong 3 năm qua.
Báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019" do Google châu Á - Thái Bình Dương phát hành mới đây đã dự đoán đến năm 2025, nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á sẽ tăng gấp 3 lần, chạm mốc 300 tỉ USD, rút ngắn khoảng cách với những thị trường phát triển hơn về tỉ lệ đóng góp vào GDP. Trong đó, Việt Nam là thị trường bứt phá mạnh hơn so với các quốc gia còn lại.
Thời kỳ vàng son
Báo cáo e-Conomy SEA 2018 của Google và Temasek, cũng cho thấy thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 33 tỉ USD vào năm 2025. Khi đó, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm sẽ đứng thứ ba ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia với 100 tỉ USD và Thái Lan với 43 tỉ USD.
Cuộc chiến của các nền tảng thương mại điện tử ngày càng khốc liệt. Ảnh: Nguyễn Triều
Ghi nhận thực tế tại Việt Nam cho thấy, trong 3-4 năm vừa qua, sự tăng trưởng của thương mại điện tử đạt mức “thần kỳ”. Từ chỗ còn mù mờ với hình thức kinh doanh trực tuyến, đến nay, có 36% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có bán hàng trên mạng xã hội, tăng 4% so với năm 2017. Đồng thời, có 45% doanh nghiệp đánh giá bán hàng qua mạng xã hội đạt hiệu quả cao, tăng 6% so với năm 2017. Từ đó, các sàn thương mại điện tử của Việt Nam hoặc của nước ngoài hay có vốn nước ngoài như Lazada, Sendo, Tiki, Adayroi… đã thu hút được nhiều nhà bán hàng và đối tác hơn, đồng thời cũng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng hơn.
Thị trường còn chứng kiến sự góp mặt của các “tân binh” với tự tin có thể cạnh tranh được với các đại gia công nghệ đa quốc gia. Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò của Viettel hay VATO của Phương Trang là một ví dụ. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Viettel Post, cho rằng thương mại điện tử vẫn là một thị trường hết sức tiềm năng và có mức tăng trưởng tốt trong tương lai.
“Thị trường chưa định vị ai là người chiến thắng cuối cùng vì thế cơ hội chia đều cho tất cả mọi người chơi tham gia. Viettel Post là người đi sau, chúng tôi sẽ tận dụng tối đa lợi thế đi sau để tạo cho mình một cú bứt phá nhanh nhất và ấn tượng nhất" - Tổng Giám đốc Trần Trung Hưng lạc quan chia sẻ.
Ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, cũng đánh giá dù các sàn bán lẻ trực tuyến đã định vị khá rõ nét tên tuổi trên thị trường nhưng không hẳn không có cơ hội cho doanh nghiệp mới. Nếu đưa ra được lợi thế so sánh nổi bật và có tiềm lực để “đốt tiền”, bất cứ sàn nào cũng có thể chiếm lĩnh được thị trường.
“Chảo lửa” cạnh tranh
Các chuyên gia thị trường đánh giá thương mại điện tử có sức hút lớn trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưa "ngồi nhà mua sắm" và hệ thống bán hàng trực tuyến đã gần đến mức bão hòa. Và cũng bởi đây là miếng bánh màu mỡ nên cuộc chiến trên thị trường sẽ ngày càng nóng bỏng.
Theo đó, mỗi sàn bán lẻ trực tuyến sẽ phải tìm hướng đi riêng cũng như “tung” nhiều hơn nữa các chiêu trò thu hút khách. Chẳng hạn, Tiki dù lỗ do đầu tư vào cơ sở hạ tầng, kho bãi nhưng vẫn không ngại ngần xuống tay rót tiền đầu tư cho 100 MV ca nhạc của ca sĩ Việt để tạo thói quen nhận diện thương hiệu, hình ảnh.
Đầu tư vào logistics cũng là chiến lược của Shopee khi nhà bán lẻ này bắt tay với một đơn vị bất động sản công nghiệp là BW Industrial để xây dựng trung tâm xử lý hàng hóa thứ 3 của mình tại Việt Nam. Trong khi đó, Lazada tuyên bố hệ sinh thái mang đến các giải pháp đáp ứng nhu cầu của các thương hiệu, nhà bán hàng, người tiêu dùng khi được xây dựng dựa trên 3 yếu tố trọng tâm: phát kiến công nghệ tiên tiến; hệ thống logistics và các phương thức thanh toán đa dạng…
Tuy nhiên, cuộc đua nào cũng đến hồi... đuối sức. Mặc dù gọi được vốn từ hàng loạt nhà đầu tư quốc tế nhưng các sàn đang ghi nhận mức lỗ rất lớn, như Tiki lỗ 1.200 tỉ đồng, Shopee lỗ lũy kế gần 2.700 tỉ đồng, Lazada lỗ lũy kế hơn 5.300 tỉ đồng trong 3 năm qua. Việc các sàn bắt đầu thực hiện những chính sách giảm bớt quyền lợi của khách hàng như từ không thu phí sang bắt đầu thu phí hoặc tăng mức phí hiện tại đối với nhà bán hàng được đánh giá là động thái cắt lỗ khi đã có dấu hiệu mệt mỏi.
Cuộc cạnh tranh còn thể hiện qua sự trồi sụt trong bảng xếp hạng lượt truy cập của các sàn. Bản đồ Thương mại điện tử quý III/2019 do iPrice Group phát hành cho thấy Lazada từ vị trí “ngôi vương” đình đám một thời đã rớt xuống vị trí thứ 5, nhường cho Shopee, Sendo… tăng hạng ngoạn mục về lượng truy cập trên website. Song, Lazada vẫn giữ được lợi thế của nền tảng thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam khi đang xếp thứ nhì về lượng người sử dụng hằng tháng qua di động. Điều này cho thấy cuộc đua của các sàn thương mại điện tử của Việt Nam vẫn rất gay cấn khi không có đối thủ nào thua hoàn toàn. Miếng bánh vẫn chia đều cho các đối thủ có đủ tiềm lực.
Cần thể chế thông thoáng để bứt phá Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét kinh tế số, trong đó có thương mại số, là cơ hội chuyển mình của Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức cho Việt Nam nằm ở chỗ nền kinh tế liệu có đủ tiềm lực để nắm bắt thời cơ, xây dựng ngành THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ theo hướng có lợi, nhất là trong bối cảnh phát triển thanh toán điện tử còn lúng túng, tỉ lệ thanh toán tiền mặt còn rất lớn? “Việt Nam có một số cơ hội để phát triển thương mại số, bao gồm: định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng; mục tiêu cải cách thể chế, tạo động lực mới; cơ hội từ các hiệp định mới như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại Việt Nam - EU… Trong khi đó, năm 2030, chúng ta chấm dứt thời kỳ dân số vàng, số người trong độ tuổi lao động giảm xuống. Nếu tận dụng được cơ hội từ cải cách thể chế theo hướng thông thoáng thì sẽ thúc đẩy được nền kinh tế số” - bà Chi Lan nhận định |
Ra ngoài gọi xe, đặt đồ ăn, phòng khách sạn bằng ứng dụng, mua sắm trực tuyến.... đã và đang ngày càng phổ biến với...
Nguồn: [Link nguồn]