Thống nhất ứng dụng để phòng chống dịch

Sự kiện: Công nghệ

Cần một đầu mối đủ thẩm quyền để phối hợp các ngành và địa phương cùng thực hiện

Thời gian qua đã xảy ra tình trạng có quá nhiều ứng dụng công nghệ để hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 gây nên những rối rắm, bất cập, trong khi việc ứng dụng hiệu quả công nghệ trong phòng chống dịch không khó nếu có sự thống nhất, liên thông.

Thủ tục phức tạp, phần mềm quá tải

Hiện có hơn 20 ứng dụng từ trung ương đến địa phương, ban ngành có liên quan tới công tác phòng chống dịch Covid-19 đã được triển khai. Tuy nhiên, mỗi địa phương có cách hiểu và thực hiện khác nhau, cơ sở hạ tầng (thiết bị, phần mềm) bất cập, cách thực hiện (cả khâu cấp phép lẫn khâu kiểm tra) chưa chuyên nghiệp… gây khó cho người dùng, cơ quan chức năng khó khăn trong việc xác định ngành nghề và đối tượng được cấp giấy đi đường.

TP Hà Nội từ ngày 6-9 bắt đầu phân vùng và siết chặt giãn cách toàn thành phố kéo dài tới ngày 20-9. Hà Nội cũng đổi sang mẫu giấy đi đường mới, có in mã QR và áp dụng quy trình cấp giấy phép mới. Trước đó, một số phường phải xuyên đêm tiếp nhận hồ sơ cấp phép vì nhu cầu quá lớn. Đơn cử, phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) có hơn 400 doanh nghiệp (DN) và cư dân thì số lượng cấp giấy đi đường rất lớn gây quá tải cho cơ quan chức năng, phần mềm bị lỗi. Theo quy trình, DN, người dân thuộc đối tượng được cấp giấy phải tới gặp công an phường để cung cấp địa chỉ và xác thực email. Sau đó, chủ DN gửi danh sách người xin cấp qua email cho UBND phường. Nơi đây sẽ xét duyệt hồ sơ rồi chuyển cho công an phường cấp giấy. Ở cấp phòng CSGT cũng áp dụng việc tiếp nhận hồ sơ và gửi trả giấy đi đường qua email đối với các nhóm do mình phụ trách.

Nhưng do thủ tục bị cho là rối rắm, chồng chéo, cơ quan cấp giấy không đủ nhân sự gọi điện thoại hay gửi email trả lời, xác minh, bổ túc nên nhiều hồ sơ bị sai sót. Nhiều trường hợp vẫn phải trực tiếp lên phường để nhận giấy. Công nghệ ở khâu cuối phải giải quyết vấn đề để người dân có thể nhận giấy đi đường qua email hay Zalo.

Trung tá Nguyễn Quang Chung, Trưởng Công an phường Mễ Trì, cho biết cơ quan phải xử lý bằng 2 biện pháp: hẹn người dân khi nào vắng sẽ điện thoại tới nhận giấy và tương tác với DN qua email hay điện thoại để hoàn tất hồ sơ.

Trước đó, khi bắt đầu đợt siết chặt giãn cách từ ngày 23-8, TP HCM cũng gặp lúng túng trong những ngày đầu, phải thay đổi quy trình cấp giấy 3 lần và thay đổi 2 mẫu giấy đi đường dù đã cấp xong. Công nghệ vẫn trên giấy là chính. Trong bối cảnh đó, TP Đà Nẵng ứng dụng hiệu quả công nghệ trong việc cấp giấy đi đường. Từ ngày 5-9, DN, cơ quan ở "vùng xanh" và "vùng vàng" chỉ được ra đường theo quy định và phải có giấy đi đường có mã QR. Quy trình cấp giấy đơn giản hơn nhiều địa phương khác. Các đơn vị thuộc đối tượng được cấp và các cơ quan cấp phép chỉ cần truy cập một website chung để đăng ký, xử lý. Khi được cấp giấy, đơn vị xin cấp chỉ cần dùng tài khoản đã đăng ký của mình vào lại website để tự in giấy đi đường để sử dụng. Trong bộ hồ sơ xin cấp giấy đi đường ở TP Đà Nẵng, DN tải 3 file mềm: danh sách lao động xin cấp (chiếm 30% tổng số lao động), đơn xin xác nhận và cam kết, kịch bản phòng chống dịch của đơn vị.

Người dân TP Hà Nội đang sử dụng quét mã QR bằng camera tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên đại lộ Thăng Long vào chiều 15-9. Ảnh: NGÔ NHUNG

Người dân TP Hà Nội đang sử dụng quét mã QR bằng camera tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên đại lộ Thăng Long vào chiều 15-9. Ảnh: NGÔ NHUNG

Một ứng dụng dùng chung

Qua vụ cấp giấy đi đường mới cho thấy việc liên thông dữ liệu cũng bất cập. Lẽ ra các ứng dụng phần mềm cấp giấy cần được liên thông với cơ sở dữ liệu quản lý dân cư và DN để thống nhất và xác thực. Chẳng hạn, chỉ cần nhập số căn cước công dân (CCCD)/CMND, số điện thoại, mã đăng ký kinh doanh… là có ngay dữ liệu cần thiết.

Thay vì mỗi tỉnh, thành tự làm phần mềm và trang bị cơ sở hạ tầng riêng thì Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia phát triển ứng dụng chung, tích hợp vào cổng dịch vụ công quốc gia có phân vùng tới từng tỉnh, thành cụ thể như với thủ tục xin cấp đổi hộ chiếu, CCCD.

Để giải quyết bất cập này, sáng 11-9, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo, đã yêu cầu thống nhất 1 app (ứng dụng) trong phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu phải có một ứng dụng chính thức duy nhất tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng yêu cầu về thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng chống dịch (tạm gọi là PcCovid). Thông báo 242/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 13-9 nêu rõ khi triển khai ứng dụng mới, tất cả người dân đã khai báo thông tin trên các ứng dụng do các bộ chỉ đạo xây dựng, triển khai trước đây sẽ phải được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không bắt buộc người dân phải khai báo lại từ đầu.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 11-9, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã có hướng dẫn kỹ thuật về mã QR cá nhân thống nhất toàn quốc được sử dụng trong việc xây dựng nền tảng, ứng dụng phòng chống dịch. Mã QR mới là phiên bản 1.1. Ba bộ TT-TT, Công an và Y tế sẽ dùng chung một mẫu tờ khai báo và cho ra một mã QR thống nhất được dùng chung.

Giải pháp để xử lý tình trạng loạn ứng dụng công nghệ là cần có một đầu mối đủ thẩm quyền để phối hợp các ngành và địa phương cùng thực hiện. 

TP HCM cũng đã phát triển ứng dụng “Y tế HCM” - có liên quan tới Covid-19 - nhằm tạo một mã QR thống nhất hỗ trợ người dân tham gia hoạt động sản xuất, lưu thông, thay thế các giấy đi đường, thủ tục rắc rối và nhiều loại trước đó. Ứng dụng này hiện được Sở TT-TT TP HCM triển khai thí điểm tại quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý khu công nghệ cao để chuẩn bị cho thời kỳ “bình thường mới”.

Nguồn: [Link nguồn]

Nguyên nhân nào khiến tín hiệu học trực tuyến cứ ”rớt lên, rớt xuống”?

Có những khách hàng nâng gói Internet cáp quang lên trên 100Mbps cũng không tránh khỏi sự chật vật khi học trực tuyến, do đâu?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Hồng Phước ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN