Thiên thể cạnh Trái Đất đang co lại, đe dọa phi hành gia NASA
Điểm đổ bộ của các phi hành gia NASA trong một cuộc chinh phục năm 2026 có thể bị ảnh hưởng bởi những vụ động đất nguy hiểm.
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học The Planetary Science Journal đã xác định những đường đứt gãy trên Mặt Trăng. Đáng nói, đó chính là vị trí rất gần điểm đổ bộ dự kiến của các phi hành gia thuộc sứ mệnh Artemis 3.
Các đường đứt gãy lớn hiện rõ cả trên bề mặt Mặt Trăng - Ảnh: NASA
Cũng giống như các đứt gãy ở Trái Đất, sự trượt của các mảng đá sâu bên dưới ở điểm đứt gãy là nguyên nhân gây ra động đất.
Chúng cũng là nguyên nhân gây ra trận động đất Mặt Trăng lớn năm 1975, đã được máy đo địa chấn từ một sứ mệnh Apollo ghi nhận.
Nhiều thập kỷ sau, các dữ liệu tinh vi từ Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng của NASA đã ghi nhận mạng lưới các đường đứt gãy.
Nhóm khoa học gia từ Viện Smithsonian, Viện Khoa học hành tinh, Đại học Maryland, Đại học bang Arizona, Trung tâm Chuyến bay không gian Marshall và Goddard của NASA (Mỹ) và Đại học British Columbia (Canada) vừa kết nối các đứt gãy này và vụ động đất mạnh.
Nguyên nhân sâu xa của đứt gãy, động đất Mặt Trăng không phải hoạt động kiến tạo sôi động như ở Trái Đất, mà do thiên thể này đang co lại, giống như cách một quả nho teo đi khi bị sấy khô.
Thiên thể này vốn là phần thừa từ Trái Đất - những mảnh vụn bắn ra khi Trái Đất nguyên thủy va chạm với hành tinh Theia và hợp nhất - nên có tính liên kết kém hơn hành tinh mẹ.
Kết quả là động đất Mặt Trăng còn dễ gây ra lở đất hơn ở Trái Đất.
Theo Space.com, điều này làm dấy lên lo ngại cho sứ mệnh Artemis 3 của NASA, với các phi hành gia dự kiến đổ bộ lên vùng cực Nam Mặt Trăng.
Nhà địa chất Nicholar Schmerr, thành viên nhóm nghiên cứu, cho rằng phát hiện mới giúp NASA có thể chuẩn bị tốt hơn cho sứ mệnh tương lai, hiểu thêm về những gì có thể xảy ra ở điểm đổ bộ từ đó giúp các phi hành gia và con tàu được an toàn nhất có thể.
Ở hành tinh vừa thành "nấm mộ" của tàu săn sự sống Ingenuity, bạn đồng hành của nó đã có phát hiện đột phá ở độ sâu 20 m.
Nguồn: [Link nguồn]