Thế giới đã có 5G cực nhanh, tại sao vẫn cần mạng 6G?
Mặc dù 5G còn khá mới mẻ và 5G Advanced cần vài năm nữa để hoàn thiện, ngành công nghệ đã bắt đầu bàn về 6G.
Vậy 6G là gì? Đây là thế hệ kế tiếp của 5G nhưng thực tế cả 5G và 6G chỉ là những phiên bản nâng cấp của một tiêu chuẩn dữ liệu đã được cải tiến từ 1G vào năm 1980. Khoảng 10 năm một lần, chúng ta lại có một tiêu chuẩn mới, tương tự như sự chuyển mình từ Wi-Fi 6 sang Wi-Fi 7.
6G đang được nghiên cứu và phát triển.
Hạn chế của 5G
5G hứa hẹn mang lại tốc độ nhanh hơn, băng thông tốt hơn, độ trễ thấp hơn và hiệu quả năng lượng cao hơn, đồng thời hỗ trợ nhiều thiết bị hơn trong bối cảnh Internet vạn vật (IoT) đang phát triển. Tuy nhiên, thực tế lại không như mong đợi. Các nhà mạng vẫn chưa hoàn thiện mạng 5G dẫn đến vùng phủ sóng không đồng đều và tốc độ thực tế thấp hơn nhiều so với mức tối đa 20 Gb/s được hứa hẹn. Điều này khiến 5G tiêu tốn pin nhanh hơn, do các bước sóng ngắn khó xuyên qua các tòa nhà và số lượng trạm phát sóng còn hạn chế. Thậm chí, việc tắt 5G để dùng 4G có thể giúp tiết kiệm pin mà không làm giảm đáng kể tốc độ và hiệu suất.
Các báo cáo cho thấy hơn một nửa số người dùng smartphone cảm thấy rằng thiết bị của họ không tận dụng tối đa công nghệ 5G, vì vậy 6G ra đời hứa hẹn sẽ khắc phục một số vấn đề lớn mà 5G đang gặp phải, mở ra triển vọng mới cho người dùng trong tương lai.
Có rất nhiều hạn chế đang tồn đọng ở mạng 5G.
Lợi thế của 6G so với 5G
Khi nói đến sự chuyển mình từ công nghệ 5G sang 6G, nhiều người đặt câu hỏi: 6G sẽ mang lại điều gì để biện minh cho việc nâng cấp này? Theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, 6G không chỉ hứa hẹn tăng tốc độ mà còn cải thiện khả năng mở rộng, độ tin cậy và sử dụng phổ vô tuyến. Kết nối sẽ ổn định hơn, giảm thiểu tình trạng rớt mạng, đồng thời hỗ trợ việc sử dụng nhiều loại kết nối cùng lúc. Điều này có nghĩa smartphone có thể tận dụng Wi-Fi gần đó ngay cả khi tín hiệu 6G yếu mà không cần từ bỏ hoàn toàn kết nối.
Một trong những điểm nổi bật của 6G là khả năng xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ với hàng triệu thiết bị giao tiếp và chuyển tải zettabyte thông tin. Ngoài ra, 6G còn được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với tính năng bảo mật mạnh mẽ hơn và tối ưu hóa hiệu suất tốt hơn.
Mạng 6G sẽ cho tốc độ truy cập siêu nhanh.
Tuy nhiên, theo CEO của Nokia, Sigve Brekke, 6G vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu sâu. Giống như sự phát triển của smartphone, 6G có thể chỉ mang lại những cải tiến dần dần so với 5G hiện tại. Do đó, không nên kỳ vọng rằng 6G sẽ đưa chúng ta vào một tương lai như trong bộ phim “Minority Report”. Ngay cả các chuyên gia cũng chưa thể xác định rõ hình dáng cuối cùng của 6G.
Dưới đây là một số lợi ích mạng 6G có thể mang đến khi so sánh với 5G hiện nay.
- Tốc độ và độ trễ thấp
Một trong những lợi ích hấp dẫn nhất của 6G là tốc độ nhanh hơn nhiều so với 5G. Các thử nghiệm mới đây cho thấy khả năng truyền tải băng thông siêu rộng lên tới 938 Gb/s, tương đương gần 1 Tb/giây. Điều này có nghĩa là người dùng có thể tải xuống một bộ phim 4K chỉ trong chưa đầy một giây. Theo GSMA, tốc độ này có thể đạt được nhờ vào việc sử dụng các băng tần trung tần trên và dưới terahertz, giúp giải quyết tình trạng tắc nghẽn mà 5G gặp phải.
Bài toán tiết kiệm pin khi truy cập mạng tốc độ cao sẽ được giải quyết.
Bên cạnh tốc độ, độ trễ thấp cũng là một yếu tố quan trọng. 6G hứa hẹn sẽ có độ trễ chỉ vài mili giây, thậm chí có thể đạt mức 10-100 micro giây. Điều này sẽ cải thiện trải nghiệm duyệt web và gọi video, đặc biệt khi sử dụng VPN.
- Băng thông và hiệu quả năng lượng
Băng thông cũng là một yếu tố không thể thiếu. 6G sẽ cho phép nhiều người dùng kết nối cùng lúc mà không gặp phải tình trạng chậm mạng, đặc biệt trong các khu vực đông dân hoặc sự kiện lớn. Nokia Bell Labs cho biết họ đang hướng tới việc giảm một nửa mức tiêu thụ điện năng của 5G trong khi cung cấp dung lượng gấp 10 lần.
Mạng 6G giúp thúc đẩy sức mạnh AI.
- Bảo mật và tương lai của AI
Trong bối cảnh an ninh mạng ngày càng trở nên nghiêm trọng, 6G sẽ cần phải cải thiện bảo mật. AI có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và phát hiện các hoạt động bất thường trên mạng. Theo MIT Technology Review, 6G có thể trở thành mạng “AI gốc” đầu tiên, kết hợp các công nghệ bảo mật tiên tiến như bảo mật truyền thông lượng tử.
Mặc dù hiện tại vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về 6G nhưng những tiềm năng mà nó mang lại hứa hẹn sẽ tạo ra một tương lai kết nối thú vị hơn. Các chuyên gia dự đoán rằng 6G sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho các ứng dụng như ô tô thông minh, cảm biến và thiết bị IoT, mở ra kỷ nguyên mới cho công nghệ và khả năng kết nối của con người.
Nguồn: [Link nguồn]
Các nhà nghiên cứu tại Đại học College London đã đạt một bước đột phá trong công nghệ truyền dữ liệu không dây.