Thanh toán không tiền mặt: Quét QR code tăng mạnh tại Việt Nam
Tính đến hết tháng 3/2023, thanh toán qua phương thức QR code tăng mạnh nhất tại Việt Nam với 160,7% về số lượng và 43,8% về giá trị.
Sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt đã trở nên phổ biến với mọi người dân từ thành thị đến nông thôn, từ khối tư nhân đến khối dịch vụ công, từ thanh toán hóa đơn đến mua sắm trực tuyến hay tại cửa hàng. Các hình thức thanh toán không tiền mặt cũng ngày càng phong phú từ thanh toán thẻ truyền thống đến các phương thức mới như mã QR, thanh toán không tiếp xúc, e-voucher,...
Thanh toán không tiền mặt ngày càng "bùng nổ" tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Theo số liệu của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), tính đến cuối tháng 3/2023, thanh toán qua phương thức QR code tăng mạnh nhất với 160,7% về số lượng và 43,8% về giá trị; qua POS tăng 37,5% về số lượng và 32% về giá trị. Trong đó, chỉ tính riêng nền tảng thanh toán Payoo, giá trị thanh toán QR qua mạng lưới đối tác trong quý I vừa qua trên cả hai kênh online và qua POS đã tăng trưởng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, top 5 lĩnh vực có số lượng giao dịch QR nhiều nhất theo thứ tự là: Dịch vụ ăn uống; Thời trang, mỹ phẩm; Siêu thị và cửa hàng tiện lợi; Nội thất và đồ dùng gia đình, Cửa hàng bán lẻ khác.
Thanh toán không tiếp xúc bằng thẻ vật lý qua công nghệ giao tiếp trường gần (NFC) cũng tăng trưởng nhanh chóng trong năm qua. Trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng giao dịch không tiếp xúc qua thẻ gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo từ Payoo cũng tiết lộ, tỉ lệ khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Bắ thanh toán tiền điện không sử dụng tiền mặt đến hết tháng 4/2023 đạt 85,11%, vượt 5,84% so với chỉ tiêu EVN giao năm 2023; doanh thu qua kênh thanh toán không tiền mặt đạt tỷ lệ 96,34%.
Trong khi đó, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về thu tiền điện không dùng tiền mặt, trong năm 2022, tỉ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt của Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đạt 98%, vượt kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao 13%.
"Năm 2019, người dân vẫn giữ thói quen thanh toán hóa đơn tại cửa hàng gần nhà - chiếm hơn 80% tỉ trọng, trong khi thanh toán trực tuyến chỉ gần 20%. Khi dịch bệnh bùng nổ, người dân buộc phải chuyển sang thanh toán trực tuyến, đến nay đã tăng gần gấp 3 lần so với trước dịch", Payoo cho biết.
Với lĩnh vực F&B, thanh toán không tiền mặt nửa năm 2023 so với cùng kỳ tăng gấp đôi về số lượng và 25% về giá trị. Trong khi đó, lĩnh vực siêu thị ghi nhận sự tăng trưởng 64% về số lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ. Các lĩnh vực thời trang, trang sức và phụ kiện đã tăng gấp 3 về số lượng và gấp đôi về giá trị, trong khi làm đẹp, mỹ phẩm tăng 1,5 lần về số lượng và 2 lần về giá trị.
Trong nhóm dịch vụ công, bên cạnh Cổng dịch vụ công Quốc gia, Payoo cung cấp dịch vụ thanh toán cho các sở, ban, ngành địa phương, hỗ trợ địa phương phục vụ người dân đối với các dịch vụ hành chính công. Sau thời gian triển khai, Payoo nhận thấy mức tăng trưởng giao dịch không tiền mặt ấn tượng ở các đơn vị này, gấp 2,3 lần về số lượng và 1,8 lần về giá trị so với cùng kỳ.
Tương tự, Visa cho biết, thanh toán kỹ thuật số, đặc biệt thanh toán không tiếp xúc, là một xu hướng đang phát triển nhanh chóng ở châu Á và Việt Nam. Đơn vị này ghi nhận sự gia tăng đáng kể của số lượng các thiết bị chấp nhận thanh toán, điểm chấp nhận thanh toán thẻ, thanh toán không tiếp xúc hoặc mã QR.
Theo Nghiên cứu của Visa về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng 2022, việc sử dụng tiền mặt ở Việt Nam đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, 89% người tiêu dùng sử dụng ví điện tử, 85% ưa chuộng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, chủ yếu cho thanh toán trực tuyến và thanh toán không tiếp xúc.
Trên thực tế, theo dữ liệu từ mạng lưới VisaNet số lượng giao dịch không tiếp xúc trên thẻ Visa tại Việt Nam trong năm 2022 đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2021. Cũng theo nghiên cứu, việc sử dụng ví điện tử để thanh toán, đặc biệt là thanh toán trực tuyến và quét mã QR, cũng tăng mạnh trong năm vừa qua.
Số liệu của nghiên cứu còn cho thấy, 2/3 người được khảo sát kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một xã hội không dùng tiền mặt vào năm 2030.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt bằng quét mã QR đã tăng trưởng rất mạnh.