Thanh toán không tiền mặt "bùng nổ" ở mọi nhóm tuổi tại Việt Nam

Sự kiện: Internet

Tỉ lệ người dùng Việt sử dụng thanh toán bằng thẻ hoặc ví điện tử đã tăng trên mọi nhóm độ tuổi.

Visa vừa phát hành một báo cáo cho biết, đại dịch COVID-19 đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Cụ thể, theo Nghiên cứu Thái độ thanh toán của người tiêu dùng năm 2022 của Visa, tỉ lệ người dùng Việt sử dụng thanh toán bằng thẻ hoặc ví điện tử đã tăng trên mọi nhóm độ tuổi so với năm 2021.

Thanh toán không tiền mặt bằng thẻ ngân hàng, ví điện tử,... đang là xu hướng. (Ảnh minh họa)

Thanh toán không tiền mặt bằng thẻ ngân hàng, ví điện tử,... đang là xu hướng. (Ảnh minh họa)

Trong đó, 66% người dùng thanh toán thẻ trực tuyến, 70% thanh toán ví điện tử trực tuyến hoặc trong ứng dụng – ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể so với mức 32% năm 2021. Tương tự, tỉ lệ thanh toán bằng mã QR gia tăng vượt bậc, với 61% (năm 2022) so với mức 35% (năm 2021).

Ngoài ra, báo cáo tiết lộ, 90% người được khảo sát đã thực hiện giao dịch thanh toán không tiền mặt (năm 2022), tăng cao so với mức 77% (năm 2021) và 77% tin rằng họ có thể không dùng tiền mặt trong 3 ngày.

"Điều này cho thấy xu hướng nói không với tiền mặt của người tiêu dùng, bằng chứng là năm 2022, họ đã mang theo ít tiền mặt hơn và ít sử dụng tiền mặt để thanh toán. Hai lý do phổ biến nhất khiến người dùng hạn chế mang tiền mặt là nguy cơ bị mất hoặc bị đánh cắp, và thực tế là ngày càng có nhiều doanh nghiệp tạo điều kiện và áp dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt", Visa nhận định.

Nhiều số liệu đáng chú ý về xu hướng thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam. (Ảnh: Visa)

Nhiều số liệu đáng chú ý về xu hướng thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam. (Ảnh: Visa)

Cũng theo nghiên cứu, 90% người tiêu dùng Việt quan tâm đến hình thức ngân hàng số. Tiềm năng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam là rất lớn, vì hiện chỉ có 30% người trưởng thành sử dụng dịch vụ này. Khi giá trị thanh toán kỹ thuật số được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới, các doanh nghiệp đang đứng trước cơ hội đầy tiềm năng để mở rộng dịch vụ kinh doanh ở thị trường trong nước.

Mặt khác, khái niệm “ngân hàng mở” vẫn còn mới tại Việt Nam, mặc dù 76% người tiêu dùng đã biết về mô hình này. Điều này cũng được ghi nhận ở khu vực Đông Nam Á, khi Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore đang trong quá trình phát triển các khung dữ liệu để hỗ trợ ngân hàng mở trong tương lai. Các tính năng được người dùng Việt quan tâm nhất mà “ngân hàng mở” có thể cung cấp là so sánh sản phẩm và dịch vụ giữa nhiều ngân hàng, khả năng sắp xếp lịch thanh toán và chuyển khoản.

Bước sang năm 2023, người tiêu dùng ghi nhận các xu hướng sinh hoạt mới hậu COVID-19, bao gồm việc chi tiêu tại các điểm bán lẻ và quản lý tài chính. Nghiên cứu cho thấy, 85% người tiêu dùng đã sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà lần đầu tiên trong thời kỳ đại dịch. Trong tương lai, họ kỳ vọng 80% giao dịch sẽ được thực hiện trực tuyến và nhận hàng tại nhà.

Những thói quen mua sắm mới cũng được ghi nhận, với 64% người tiêu dùng có xu hướng tích trữ thêm thuốc men và vitamin để duy trì sức khỏe. Tương tự, 64% người tiêu dùng mua sắm trên các nền tảng trực tuyến lớn và doanh nghiệp hộ gia đình.

Dù vậy, 80% người được khảo sát cho biết họ đang tiết kiệm nhiều hơn cho tương lai, 78% muốn lập kế hoạch và theo dõi chi phí hằng tháng chặt chẽ. Điều này cho thấy người dùng ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm tài chính, cũng như chú trọng thiết lập ngân sách hằng tháng cho chi tiêu gia đình.

“Thanh toán kỹ thuật số tiếp tục trở nên phổ biến đối với người tiêu dùng tại Việt Nam, thể hiện qua dữ liệu của mạng lưới VisaNet trong 3 tháng đầu năm 2023, khi tổng giá trị giao dịch thanh toán trên thẻ Visa tại Việt Nam đã tăng 32% so với cùng kỳ năm 2022 và thanh toán trực tuyến cũng tăng trưởng theo đó. Đồng thời, doanh số thanh toán xuyên biên giới cũng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước”, Visa cho biết trong báo cáo.

Bạn có biết: Mỗi giao dịch thẻ Visa được phân tích tới 500 yếu tố dữ liệu bởi AI

Tính năng bảo mật ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) này đã giúp các ngân hàng ngăn chặn gian lận trị giá ước tính đến 26 tỷ USD trên toàn cầu trong một năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC PHẠM ([Tên nguồn])
Internet Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN