Thanh niên Việt dở thói "GATO" khiến Flappy Bird xóa sổ?

Sự kiện: Flappy Bird

Flappy Bird đang rất thành công không chỉ tại Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới, nhưng có lẽ đang “mắc” phải sự GATO rất lớn từ chính một bộ phận giới trẻ nước nhà.

Đến thời điểm này có thể khẳng định, vẫn chưa có nhà phát triển game nào ở Việt Nam đạt được thành công rực rỡ như Flappy Bird của chàng trai Nguyễn Hà Đông. Anh cũng từng chia sẻ với báo giới nước ngoài rằng anh thu được khoảng 50.000 USD (hơn 1 tỉ đồng) mỗi ngày nhờ Flappy Bird.

Tuy nhiên, theo tính toán mới đây của ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty ePi Technologies trên ICT News, Flappy Bird có doanh thu khiêm tốn cũng phải là 100.000 USD/ngày.

Thanh niên Việt dở thói "GATO" khiến Flappy Bird xóa sổ? - 1

Có lẽ vì doanh thu cực khủng, cũng như vị trí số một trên các kho ứng dụng App Store, Google Play tại Mỹ, Anh… đang khiến Flappy Bird cũng như “cha đẻ” của nó là Nguyễn Hà Đông phải đối mặt với nhiều áp lực khác nhau và đi đến quyết định gỡ bỏ Flappy Bird trên hai kho ứng dụng khổng lồ là App Store, Google Play, trong đó có thói "GATO" (ghen ăn tức ở). Điều đáng nói là nó lại bắt nguồn từ chính một bộ phân không nhỏ giới trẻ nước nhà.

Đã có nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, Flappy Birds chỉ ăn may:

"Trên FB đầy rẫy các status về đề tài game Flappy Bird, nào là chê, nào là khen, nào là khen người lập trình giỏi, nào là vì may mắn, nào là cú hích cho nền sản xuất game nước nhà (vụ này mơ đi)... Chốt lại ý kiến của TUI là game này chỉ là 1 hiện tượng nhất thời, rồi cũng trôi vào quên lãng (và đang có nguy cơ có 1 vụ kiện cáo lỗ đầu, cạn túi của người tạo ra nó...). Game Flappy Bird thành công bất ngờ không phải vì cách chơi, vì đồ hoạ đẹp, vì AI tốt... chỉ đơn giản đánh vào sự hơn thua của loài người bởi điểm số cần khoe trên internet và AI điên điên khùng của con chim...", status của một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi.

Thanh niên Việt dở thói "GATO" khiến Flappy Bird xóa sổ? - 2

Chia sẻ của một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi tại Việt Nam.

Ông N.V.L, Giám đốc điều hành của một công ty làm game trên di động cũng cho rằng, "Flappy Bird chỉ tạo nên hiệu ứng phong trào trong thời gian ngắn. Còn việc game lên top, trong kinh doanh nói chung, không riêng gì ngành game, yếu tố may mắn rất quan trọng".

Riêng một cây bút chuyên đánh giá thị trường game tại thị trường Việt Nam viết: "Flappy Bird chả có gì phải sốt! Cài rồi, chơi thử và xóa đi. Chỉ đơn giản là chụp được một tấm hình minh họa cho bài viết".

Thanh niên Việt dở thói "GATO" khiến Flappy Bird xóa sổ? - 3

"Flappy Bird chỉ là hiệu ứng nhất thời và sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng. Đó là cảm nhận của mình", Facebooker H.L nhận định.

Tuy nhiên, chẳng có thành công nào lại chỉ nhờ ăn may. Ngoài sức hấp dẫn nhất định của trò chơi, Flappy Bird thành công nhờ vào sự lan tỏa của Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung. Đấy là thủ thuật, là chiến thuật marketing. Người làm game bây giờ không chỉ đơn giản là phát triển mà còn là bán hàng, phải "show" hàng làm sao để bán được. Game hay nhưng không biết marketing thì cũng mãi chỉ là game "xếp xó".

Có không ít ý kiến mang những game nổi tiếng như là Panda Jump, Ninja Revenge để "dìm hàng" Flappy Birds thì quá nhạt. Thực tế, những game kia chỉ nổi ở Việt Nam, còn trên thế giới hoàn toàn mờ nhạt.

Xét cho cùng, không phải cứ game hay, độc, lạ là có thể thành công. Thành công còn là ở chiến dịch marketing, ở cách sales,... Trong kinh doanh, may mắn chỉ là một phần. Chẳng có sự thành công nào lại hoàn toàn ở may mắn!

Và thật đáng buồn khi mới đây cha đẻ của Flappy Birds đã quyết định gỡ bỏ game này khỏi các kho ứng dụng mà không có một lời giải thích nào ngoài cụm từ "Tôi không thể chịu đựng được nữa". Hà Đông cũng nói rõ rằng, anh xóa game không phải vấn đề bản quyền, cũng không phải vì đã bán game cho hãng khác. Thay vào đó, anh chỉ đơn giản gỡ xuống để tìm sự yên bình và tiếp tục con đường lập trình game trong thời gian tới.

Thật vậy, gỡ Flappy Bird khỏi Google Play và App Store được xem là một hành động thông minh, gây sững sờ cho tất cả những ai đang thích thú hay "GATO" trò chơi này. Việc xóa bỏ Flappy Birds sẽ giúp Hà Đông phần nào tránh được những vụ kiện tụng (nếu có) và né yêu cầu rà soát thuế thu nhập cá nhân từ Cơ quan nhà nước. Song khả năng bị hãng Nintendo khởi kiện là rất nhỏ, bởi một hãng game lớn mang tầm cỡ thế giới như Nintendo liệu có bẻ bàng tới mức đâm đơn kiện một cá nhân nhỏ lẻ làm game theo sở thích và vô tình đạt được thành công ngoài mong đợi. Ngoài ra, số tiền mà tác giả Flappy Birds thu được chẳng là con số lẻ của hãng Nintendo. Và nếu Nintendo đòi 6 tỉ USD tiền bồi thường như tin đồn thì họ cũng phải nghĩ tới khả năng chi trả của Hà Đông.

Qua sự kiện trên có thể thấy, một bộ phận giới trẻ Việt nên tự đánh giá lại cách ứng xử của mình trước một sự kiện có thể giúp Việt Nam nói chung, và bản thân họ nói riêng tự hào trên trường quốc tế. Riêng Hà Đông, anh đã khá thông minh khi "ẩn mình" trước báo chí và quyết định xóa sổ Flappy Birds, dập tan nhiều thông tin bàn tán gây áp lực nặng nề cho anh trong suốt nhiều ngày qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thanh, Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Flappy Bird Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN