Thận trọng khi đăng hình trẻ em cùng các bài "gom 100.000 chữ A"
Người dùng Facebook nên hạn chế đăng hình trẻ em mới chụp, đặc biệt là hình ảnh chính diện dễ nhận ra mặt.
Vừa qua, chương trình "gom 100.000 chữ A" để nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với trẻ tự kỷ, đã chính thức kết thúc chiến dịch. Trong thời gian triển khai, đã có rất nhiều các bài đăng chứa hình ảnh các hoạt động tích cực kèm gắn thẻ (tag) để lan tỏa thông điệp đầy ý nghĩa của chương trình, tuy nhiên trong đó có không ít hình ảnh của trẻ em.
Một bài đăng tham gia chiến dịch gom 100.000 chữ A sử dụng hình ảnh trẻ em ở chế độ công khai.
Trao đổi với PV, bà Võ Dương Tú Diễm - đại diện hãng bảo mật Kaspersky tại Việt Nam cho rằng, việc đăng ảnh trẻ em như con em của mình là một nhu cầu có thật trên Facebook. Tuy nhiên, nếu người dùng sử dụng những biện pháp tự vệ trên môi trường mạng, như chỉ giới hạn người xem là bạn bè, không check-in vị trí, không tiết lộ quá nhiều thông tin cá nhân của trẻ... thì sẽ không đáng lo ngại.
"Nếu người dùng đăng ảnh con trẻ kèm cả thông tin check-in địa chỉ và thiết lập bài đăng ở chế độ công khai mới là nguy hiểm", bà Võ Dương Tú Diễm nhận định.
Còn ông Ngô Trần Vũ - Giám đốc Công ty Bảo mật NTS cho rằng, đối với chương trình có độ lan toả lớn như gom chữ A và có tag vừa qua, người dùng phải cẩn thận khi chi sẻ thông tin.
Theo ông Vũ, kẻ xấu rất dễ dàng truy tìm thông tin thông qua các tag và có thể lấy được rất nhiều hình từ những người có điểm chung là đăng hình trẻ con. Từ đó, kẻ xấu có thể khai thác thông tin ở các trang có hình trẻ để bán cho các công ty tiếp cận quảng cáo hay làm ảnh hưởng đến quyền riêng tư, đó là chưa nói tới việc kẻ xấu toan tính những mục đích xấu hơn nữa.
"Vì vậy, người dùng Facebook nên hạn chế đăng hình trẻ em mới chụp, đặc biệt là hình ảnh chính diện dễ nhận ra mặt. Cũng không nên dùng ảnh trẻ con tham gia vào các chương trình quy mô lớn như 3A để tránh ảnh hưởng đến con", ông Ngô Trần Vũ khuyến cáo.
Trước đó, mạng xã hội Facebook tràn ngập những bài đăng về việc gom 100.000 chữ A bằng cách đăng bài kèm gắn thẻ (hashtag) #autism (tự kỷ), #awareness (nhận thức) và #a365 (chương trình chăm sóc thông minh cho trẻ). Theo thông tin đang lan truyền, mỗi bài đăng trên trang cá nhân ở chế độ công khai, có hình ảnh hoạt động vận động, thể thao, vui chơi.,... là đã góp được 3 chữ A. Khi gom đủ 100.000 chữ A, gói tài trợ 200 triệu đồng sẽ được sử dụng để tổ chức những lớp học miễn phí cho cha mẹ có con tự kỷ. Theo tìm hiểu của PV, số tiền 200 triệu đồng chắc chắn sẽ được sử dụng dù cho số lượng bài đăng nhiều hay ít. Hay nói rõ hơn, việc chia sẻ bài đăng chỉ nhằm mục đích lan tỏa ý nghĩa của chương trình cũng như giúp mọi người hiểu rõ hơn về trẻ tự kỷ; không dùng để đếm chữ A như nội dung các bài đăng. |
Chương trình “gom 100.000 chữ A“ đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Nguồn: [Link nguồn]