“Thần Hủy diệt” áp sát Trái Đất năm 2029, chạm trán tàu vũ trụ

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

"Thần Hủy diệt" là biệt danh giới khoa học đặt tên cho Apophis, một trong những vật thể có nguy cơ cao va chạm với Trái Đất.

Tiểu hành tinh Apophis được đặt theo tên Apep - một con rắn quỷ khổng lồ độc ác, kẻ cai trị bóng đêm và sự hỗn loạn trong thần thoại Ai Cập - được các cơ quan vũ trụ hàng đầu coi là tiểu hành tinh nguy hiểm nhất đối với Trái Đất.

Một tính toán trước đó từng cảnh báo Apophis có thể va chạm địa cầu vào thứ sáu ngày 13-4-2029.

Apophis trên vùng không gian gần Trái Đất - Ảnh đồ họa: NASA

Apophis trên vùng không gian gần Trái Đất - Ảnh đồ họa: NASA

Song, rất may là các tính toán tinh vi hơn sau này cho thấy đó sẽ chỉ là một cú áp sát đe dọa trong phạm vi 48.300 km. Trong ít nhất 100 năm tới, nhân loại có thể tạm thở phào.

Mặc dù vậy, đây vẫn là vật thể rất cần được theo dõi và nghiên cứu kỹ.

Theo Space.com, trong dự án "NEAlight", một nhóm nghiên cứu từ Đại học Julius Maximilians Würzburg (JMU - Đức) đã tiết lộ ý tưởng về việc cử tàu vũ trụ giáp mặt Apophis vào năm 2029 để tìm hiểu rõ hơn về nó cũng như về những vật thể đe dọa Trái Đất nói chung.

Ý tưởng đầu tiên của nhóm là một vệ tinh nhỏ sẽ tham gia cùng Apophis trong khoảng thời gian hai tháng khi nó tiếp cận gần Trái Đất.

Nhiệm vụ đặc biệt này sẽ đầy thách thức vì thời gian của nó, khoảng cách cần thiết để di chuyển và thực tế là tàu sẽ phải hoạt động tự chủ trong thời gian dài. Nó cũng sẽ phải phóng ít nhất một năm trước khi Apophis đến vùng lân cận Trái Đất.

Ý tưởng thứ hai của nhóm liên quan đến việc tích hợp với một tàu vũ trụ lớn hơn đang được ESA lên kế hoạch có tên là RAMSES, là tàu vũ trụ nghiên cứu vành đai bức xạ Van Allen bao quanh hành tinh.

Nhiệm vụ này có thể mang theo vệ tinh nhỏ hơn, thiết bị đo lường và kính thiên văn, trong đó có một vệ tinh do nhóm JMU thiết kế nhằm thu thập dữ liệu về Apophis.

Ý tưởng thứ 3 liên quan đến một vệ tinh nhỏ sẽ chỉ bay qua Apophis trong thời gian ngắn khi tiểu hành tinh này ở gần Trái Đất nhất, chụp ảnh tiểu hành tinh trong quá trình này.

Tuy dễ làm nhất và chỉ cần phóng 2 ngày trước cú tiếp cận, ý tưởng thứ 3 sẽ đem lại ít dữ liệu khoa học nhất bởi thời gian tiếp cận ngắn.

Ngoài Apophis, các ý tưởng trên có thể được thiết kế để nhắm vào các vật thể đe dọa Trái Đất khác.

Nhân loại đã biết đến khoảng 1,3 tiểu hành tinh trong Thái Dương hệ, trong đó khoảng 2.500 tiểu hành tinh được coi là có khả năng gây nguy hiểm (PHA).

Chúng là các vật thể có bề ngang rộng nhất đạt 140 m trở lên, lướt qua Trái Đất trong khoảng cách dưới 20 lần khoảng cách Mặt Trăng - Trái Đất.

Trong đó, "Thần Hủy diệt" Apophis có bề rộng lớn nhất khoảng 335 m, đứng đầu danh sách PHA có rủi ro tác động của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) và Bảng Rủi ro Sentry của NASA.

NASA đã cử tàu vũ trụ đến Apophis

Trên thực tế, đã có một tàu vũ trụ của con người đang trên đường tìm đến "Thần Hủy diệt". Đó là OSIRIS-APEX của NASA.

OSIRIS-APEX có tên trước đó là OSIRIS-REx, đã trả mẫu một hành tinh khác về Trái Đất hồi cuối tháng 9-2023 bằng cách thả dù, sau đó tiếp tục hành trình bay tới Apophis.

OSIRIS-APEX sẽ có nhiệm vụ tiếp cận trong thời điểm tiểu hành tinh này đến gần Trái Đất, khám phá cấu trúc, thành phần và bề mặt của Apophis cũng như những thay đổi sau cú áp sát.

Nguồn: [Link nguồn]

Trung Quốc đang quay trở lại phía xa bí ẩn của mặt trăng và mang về một số mẫu vật từ mặt trăng. Sứ mệnh Thường Nga 6 (Chang'e 6) được phóng vào ngày 3/5, trên tên lửa Trường Chinh từ bệ phóng tại Địa điểm Phóng Văn Xương, tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN