Tàu vũ trụ Progress bị thủng của Nga vừa lao xuống Thái Bình Dương
Tàu vũ trụ chở hàng Progress MS-21, là con tàu thứ 2 của Nga bị hư hại trong vài tháng qua, đã được xử lý bằng cách cho quay về Trái Đất "tự sát" một cách an toàn.
Hãng tin TASS trích dẫn tuyên bố của Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) hôm 19-2: "Progress MS-21 đã rời khỏi quỹ đạo ngày hôm nay, đi vào bầu khí quyển và rơi xuống. Các phần không cháy hết trong cấu trúc của nó đã rơi xuống một khu vực bị cô lập ở Thái Bình Dương vào lúc 6 giờ 57 phút sáng giờ Moscow".
Mốc thời gian này tương ứng với 10 giờ 57 phút sáng 19-2 theo giờ Việt Nam.
Tàu vũ trụ Progress MS-21
Trước đó tàu vũ trụ Progress MS-21 đã ghi nhận sự cố giảm áp suất vào ngày 11-2, được xác định là do rò rỉ chất làm mát. Tàu đã được cách ly khỏi Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) và hôm 18-2 đã được tách khỏi trạm.
Ban đầu các chuyên gia dự định tách tàu vũ trụ này khỏi ISS vào hôm 17-2 nhưng kế hoạch bị hoãn lại để các chuyên gia chuyển nó sang chế độ vận hành từ xa và chụp ảnh các khu vực bị hư hại của con tàu. Giám đốc điều hành Roscosmos Yuri Borisov cho biết hôm 13-2 rằng một ủy ban khẩn cấp đã được thành lập để điều tra nguyên nhân.
Progress MS-21 là một tàu chở hàng của Roscosmos, làm nhiệm vụ tiếp tế cho ISS. Đây là tàu vũ trụ Nga thứ 2 gặp sự cố rò rỉ chất làm mát trong những tháng gần đây.
Tàu gặp nạn trước đó - giữa tháng 12-2022 - là Soyuz MS-22, chở 3 phi hành gia của Roscosmos và NASA lên ISS cũng gặp sự cố tương tự, được hai cơ quan đồng kết luận là do một thiên thạch nhỏ va phải. Nga sẽ đón các phi hành gia này về Trái Đất bằng một tàu Soyuz khác khi họ hoàn thành nhiệm vụ ở ISS.
Thiết bị trên tàu vũ trụ 1,5 tỉ USD của NASA tắt đột ngột
Cơ quan vũ trụ của Mỹ cho biết sự cố xảy đến với Tàu thăm dò Mặt Trời Parker của NASA từ cuối tuần trước và hiện họ đang khắc phục bằng cách tải lên một bản vá lỗi phần mềm điều khiển công cụ mang tên EPI-Hi của con tàu. Quá trình tải bắt đầu hôm 17-2 và thiết bị sẽ sớm được bật lại sau khi hoàn thành.
NASA không tiết lộ cụ thể thời gian cụ thể khi nào Parker hoạt động lại bình thường, chỉ nói rằng thiết bị EPI-Hi sẽ phải ngừng hoạt động trong vài tuần. Họ cũng bảo đảm trước khi bắt đầu cuộc tiếp cận lần thứ 15 với Mặt Trời - được định sẵn vào ngày 12-3 - tàu vũ trụ sẽ hoạt động bình thường.
NASA cũng đánh giá ngoài sự cố nói trên thì tàu Parker vẫn "hoạt động tốt về mặt tổng thể".
Robot săn tìm sự sống ngoài hành tinh Curiosity của NASA tiếp tục có một phát hiện "để đời", cho thấy một cảnh quan y hệt Trái Đất từng tồn tại ở một hành tinh khác.
Nguồn: [Link nguồn]