Tàu vũ trụ NASA tiếp cận Mặt Trăng

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Tàu vũ trụ Orion của NASA đã bay vào quỹ đạo Mặt trăng, nhằm thử nghiệm khả năng sẵn sàng của các phương tiện trong việc đưa các phi hành gia lên Mặt trăng.

Ngày 21/11 vừa qua, tàu vũ trụ Orion của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã tiếp cận bề mặt Mặt Trăng trong quá trình đi vào quỹ đạo. Đây là giai đoạn tiếp theo của sứ mệnh Artemis I sau khi tên lửa SLS được phóng thành công vào ngày 16/11.

Cơ quan này đã mất tín hiệu với Orion trong 30 phút. Khi lấy lại liên lạc, Orion di chuyển với tốc độ hơn 8.000 km/h. Đây là lần đầu tiên sau 50 năm, NASA đưa tàu vũ trụ tiếp cận Mặt Trăng từ khi sứ mệnh Apollo kết thúc.

Camera của Orion đã ghi lại quá trình tiếp cận quỹ đạo Mặt Trăng, cho thấy Trái Đất phía xa với khoảng cách hơn 370.000 km. Tàu vũ trụ cũng bay qua Tranquility Base, nơi Neil Armstrong và Buzz Aldrin đặt chân lên Mặt Trăng vào ngày 20/7/1969. Tuy nhiên, không có hình ảnh được chụp bởi vị trí này đang chìm trong bóng tối.

Judd Frieling - Giám đốc phụ trách chuyến bay Artemis I cho biết các nhân viên tại Trung tâm Vũ trụ Johnson, nơi điều hành sứ mệnh đã "choáng ngợp" khi nhìn thấy hình ảnh gửi về từ Orion. Ngay cả kỹ sư không lưu cũng "hoàn toàn kinh ngạc" khi tàu vũ trụ tiếp cận bề mặt Mặt Trăng.

Chuyến bay Artemis I mang theo 3 hình nộm mô phỏng phi hành gia, được phóng nhằm kiểm tra hiệu quả tấm chắn nhiệt trên khoang phi hành đoàn, thử nghiệm công nghệ hỗ trợ bằng giọng nói Callisto trên Orion. Vị trí tiếp cận của tàu vũ trụ cách bề mặt Mặt Trăng khoảng 130 km.

Dự kiến cuối tuần này, Orion sẽ phá vỡ kỷ lục về khoảng cách 400.000 km giữa một tàu vũ trụ được thiết kế cho các phi hành gia và Trái đất mà tàu Apollo 13 (cũng của NASA) thiết lập vào năm 1970. Sau đó, tàu Orion sẽ tiếp tục di chuyển, đạt khoảng cách tối đa với Trái đất - ước tính khoảng 433.000km, vào ngày 28/11 tới.

Tàu sẽ khám phá Mặt trăng trong khoảng một tuần trước khi trở về Trái đất. Theo kế hoạch, Orion sẽ đáp xuống Thái Bình Dương vào ngày 11/12 tới. Trong sứ mệnh Artemis 1 này, NASA đã sử dụng hệ thống phóng không gian (SLS) - hệ thống tên lửa mạnh nhất từng được cơ quan này chế tạo với 30 tầng, để phóng tàu Orion vào vũ trụ. Mục tiêu của sứ mệnh là thử nghiệm khả năng sẵn sàng của các phương tiện này trong việc đưa các phi hành gia lên Mặt trăng.

Sau nhiệm vụ Artemis 1, các phi hành gia sẽ thực hiện hành trình vào năm 2024 và 2025 trong nhiệm vụ Artemis 2 và Artemis 3.

Tia vũ trụ lạ truyền đến Trái Đất: Con lai không tưởng của 2 quái vật vũ trụ

Một tia gamma bùng nổ, truyền đi suốt 10,6 tỉ năm để đến được với kính thiên văn Trái Đất, đã chỉ ra sự hiện diện của một quái vật vũ trụ lẽ ra không thể tồn tại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đào Vũ (T/h) ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN