Tàu vũ trụ của NASA làm rơi vãi mẫu vật chất của tiểu hành tinh ra không gian
Tàu OSIRIX-Rex có vẻ như đã thu thập được nhiều mẫu vật hơn so với dự kiến.
Vào ngày 20/10 vừa qua, tàu vũ trụ OSIRIS-Rex của NASA đã hoàn tất quá trình tiếp cận tiểu hành tinh Bennu và thu thập mẫu vật. Đây là quá trình cốt lõi trong dự án tiêu tốn 800 triệu USD, nhằm thu thập mẫu vật từ tiểu hành tinh này để nghiên cứu về quá trình hình thành sự sống của Hệ Mặt Trời.
Tuy nhiên có vẻ như đã có một sự cố phát sinh khi OSIRIS-Rex đã thu gom quá nhiều vật chất, khiến cho thiết bị lấy mẫu không thể đóng chặt, hậu quả là một phần vật chất bay vào không gian.
Sau khi phân tích ảnh chụp bằng camera SamCam trên tàu OSIRIS-Rex hôm 22/10/2020, các nhà khoa học nhận thấy đầu của thiết bị lấy mẫu chứa đầy bụi và đá thu thập từ Bennu và một số hạt bụi bay vào không gian.
Hình ảnh từ Camera trên tàu OSIRIX-Rex cho thấy bụi đá rơi vãi ra không gian.
Ngay sau đó, các chuyên viên điều khiển OSIRIS-Rex quyết định cần phải gấp rút lên kế hoạch xếp mẫu vật vào khoang hồi quyển của tàu càng sớm càng tốt để giảm tối đa lượng vật chất bị thất thoát.
Tàu vũ trụ OSIRIS-Rex được phóng vào tháng 9/2016 và tới Bennu vào tháng 12/2018. Mục tiêu chính của nhiệm vụ là mang ít nhất 60 g vật chất nguyên thủy từ Bennu về Trái Đất. Có vẻ như tàu OSIRIS-Rex đã thu thập được nhiều hơn rất nhiều so với kỳ vọng, khiến cho một phần bị thất thoát vào không gian.
Quá trình thu thập chỉ kéo dài 6 giây, khi cánh tay Robot của OSIRIS-Rex đã thò ra, chạm vào bề mặt Bennu, khoan sâu đến 48cm và hút vào một lượng vật chất, sau đó cất cánh rời đi. Quá trình này diễn ra hoàn toàn tự động do tín hiệu sóng vô tuyến có độ trễ đến 38 phút khiến các nhà khoa học không thể tự tay thao tác.
Mô phỏng quá trình tàu OSIRIX-Rex thu thập đất đá từ Bennu.
Thông qua những bức ảnh chụp bởi tàu vũ trụ, các nhà khoa học ước tính ít nhất hàng trăm gram bụi đá từ Bennu đã được hút vào. Ban đầu, họ lên dự định sẽ cân mẫu vật vào ngày 24/10, hoạt động đòi hỏi tàu OSIRIS-REx phải xoay tròn. Nhưng điều này chắc chắc sẽ làm mất nhiều hạt bụi tiểu hành tinh hơn, do đó các thành viên trong nhóm nghiên cứu dự định tiến thẳng tới cất giữ mẫu vật mà không cần cân, do các hình ảnh cho thấy lượng vật chất thu được đã vượt yêu cầu đề ra.
"Dù chúng tôi phải tiến hành cất mẫu vật nhanh chóng hơn, đó không phải là vấn đề tồi tệ. Chúng tôi rất phấn khỏi khi thấy lượng mẫu vật dồi dào sẽ trở thành đề tài nghiên cứu trong nhiều thập kỷ từ sau khoảnh khắc lịch sử này", Thomas Zurbuchen, phó giám đốc khoa học tại trụ sở của NASA ở Washington, chia sẻ.
Tàu OSIRIS-REx đang bay xa khỏi bề mặt Bennu và sẽ không tiếp cận tiểu hành tinh lần nữa. Sau khi cất giữ mẫu vật thành công, tàu vũ trụ sẽ tiếp tục bay theo quỹ đạo của Bennu, cho đến đầu tháng 3 năm sau, nó bắt đầu hành trình trở về Trái Đất. Tới năm 2023, tàu vũ trụ sẽ trở về và thả khoang hồi chuyển chứa mẫu vật rơi xuống sa mạc Utah.
Mẫu bụi và đá tiểu hành tinh sẽ được gửi tới phòng thí nghiệm để các nhà khoa học có thể nghiên cứu và tìm kiếm manh mối về hệ Mặt Trời thuở sơ khai. Điều này có thể hé lộ vai trò của một thiên thể giàu Carbon như Bennu trong việc hình thành sự sống trên Trái Đất.
Với một robot tự hành và một máy bay không người lái, con tàu mới của NASA sẽ mở ra nhiều hiểu biết mới mẻ về sao...
Nguồn: [Link nguồn]