Tàu NASA bị "hack": Sẽ tiết lộ những điều nhân loại chưa từng biết?
Tàu vũ trụ Voyager 2 vừa bị can thiệp bởi một nhóm hacker đặc biệt đến từ... chính NASA.
Theo Science Alert, một "vụ phá hoại" nho nhỏ đã được nhắm vào tàu Voyager 2, một con tàu vũ trụ 45 năm tuổi đời và là một trong hai tàu Voyager đi xa nhất khỏi Trái Đất, hiện đang tiến vào không gian giữa các vì sao.
Hành động được tiến hành bởi chính các nhà khoa học từ dự án Voyager của Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA, nhằm khởi động một hệ thống năng lượng dự phòng và giúp con tàu đủ sức vận hành đến năm 2026 thay vì có thể ngừng hoạt động trong năm nay.
Tàu Voyager 2 đã được NASA "hack" thành công - Ảnh: NASA
Các tàu Voyager 1 và Voyager 2 khởi hành cách nhau 1 tháng vào năm 1977 với sứ mệnh kéo dài 4 năm nhằm khám phá Sao Mộc và Sao Thổ.
Tuy nhiên chúng hoạt động... mãi không hư, nên cứ thế tiến ra ngoài quỹ đạo của Sao Thổ, hoàn thành sứ mệnh nối tiếp khám phá Sao Thiên Vương - Sao Hải Vương và và bay mãi đến rìa hệ Mặt Trời.
Trong vài năm qua, chúng đã bắt đầu vượt qua vùng không gian chịu tác động của từ trường và gió Mặt Trời gọi là "nhật quyển", tiến vào không gian giữa các vì sao.
Thế nhưng Voyager 2 đã sử dụng đến nguồn năng lượng dự trữ cuối cùng, buộc các kỹ sư NASA phải tắt bớt nhiều thiết bị để tiết kiệm điện cho con tàu vốn chạy bằng năng lượng hạt nhân này. Nhưng vẫn chưa đủ.
Vì vậy họ đã quyết định "hack" con tàu, gây ra một sự cố thay đổi điện áp nho nhỏ và khiến tàu tự khởi động việc sử dụng một nguồn điện dự trữ khẩn cấp khác - được thiết kế để tạm giữ cho tàu hoạt động nếu mạch của đầu gò gặp trục trặc.
"Điện áp thay đổi gây rủi ro cho các thiết bị, nhưng chúng tôi đã xác định đó là rủi ro nhỏ và giải pháp thay thế này có thể mang lại phần thường lớn là giữ cho thiết bị hoạt động lâu hơn" - Giám đốc dự án Voyager Suzanne Dodd cho biết.
Sau vài tuần theo dõi, có vẻ đội hacker đặc biệt của NASA đã thành công. Họ có thể sẽ ứng dụng điều này cho cả Voyager 1 - con tàu được thiết kế để tiến đến mục tiêu xa hơn Voyagar 2 trong nhiệm vụ ban đầu - vốn còn nhiều năng lượng hơn nhưng đến năm 2024 cũng sẽ phải tắt bớt thiết bị để tiết kiệm điện.
Vì là những tàu vũ trụ đi xa nhất nên các dữ liệu mà cặp tàu vũ trụ "song sinh" này gửi về Trái Đất càng quý giá. Thêm vài ngày hoạt động có thể đồng nghĩa với việc nhân loại tiếp cận được thêm vô số điều chưa từng biết ở nơi xa thẳm bên ngoài nhật quyển.
Công ty vũ trụ tư nhân Nhật Bản vừa công bố một trong những di sản ngoạn mục của tàu vũ trụ Hakuto-R Mission 1, tàu thám hiểm bị cho là đã đâm vào Mặt Trăng của họ.
Nguồn: [Link nguồn]