Tàu châu Âu chụp được hình ảnh "chấn động" ở Sao Hỏa

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Dữ liệu mới từ tàu Mars Express không chỉ vén màn "suối nguồn sự sống" trên Sao Hỏa mà còn là một đoạn lịch sử đã mất của hành tinh này.

Theo Sci-News, các hình ảnh và dữ liệu khác mà Mars Express thu được khi bay ngang cực Bắc Sao Hỏa cho thấy chỏm băng vĩnh cửu ở đây là một chồng các lớp băng nước và bụi dày tới 3 km, đường kính khoảng 1.000 km.

Chúng được chia thành bốn lớp dày xếp chồng lên nhau có độ dày khác nhau, mỗi lớp dày bao gồm nhiều lớp mỏng mịn hơn.

Planum Boreum, khu vực thú vị đầy băng nước ở cực Bắc Sao Hỏa - Ảnh: ESA

Planum Boreum, khu vực thú vị đầy băng nước ở cực Bắc Sao Hỏa - Ảnh: ESA

Giống như các vòng cây "kể chuyện", các lớp trầm tích này chứa thông tin về khí hậu hàng triệu năm qua trên Sao Hỏa.

Mỗi lớp trầm tích là sự kết tủa của bụi và nước trong khí quyển và do sự hình thành sương giá trực tiếp. Chúng bao gồm chủ yếu là nước đá, với trầm tích bụi mịn chiếm từ 10 đến 15% tổng lượng.

Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), "chủ nhân" tàu Mars Express bay quanh quỹ đạo Sao Hỏa, các dữ liệu mới phản ánh những thay đổi trong quỷ đạo Sao Hỏa cũng như độ nghiêng của trục quay hành tinh.

Trái Đất của chúng ta đôi khi đổi nhẹ quỹ đạo, lệch trục quay... Nhưng tính không ổn định của Sao Hỏa còn cao hơn, có thể cho thấy khí hậu của thế giới này trong nhiều giai đoạn thay đổi còn khắc nghiệt hơn Trái Đất.

Bởi lẽ, sự thay đổi trục quay kéo theo thay đổi của bức xạ Mặt Trời đối với từng điểm trên hành tinh, đặc biệt là ở các cực.

Ở vị trí hiện tại, chỏm băng của cực Bắc đang phát triển mạnh mẽ. Nó sẽ hoàn toàn biến mất vào mùa hè.

"Địa hình xung quanh cực bắc của sao Hỏa, được gọi là Planum Boreum, rất hấp dẫn" - nhóm ESA viết.

Trong bức ảnh mà họ vừa công bố, phần bên trái bị chi phối bởi một dải cồn cát gợn sóng rộng lớn, kéo dài, trải dài hơn 150 km chỉ trong khung hình này.

Vẻ ngoài nhăn nheo, hỗn loạn này rất trái ngược với địa hình bằng phẳng và nguyên sơ hơn có thể nhìn thấy ở bên phải.

Trong khi đó, khu vực nhẵn không có dấu hiệu xói mòn rõ ràng và không bị lỗ chỗ hố va chạm bởi những tảng đá bay tới từ không gian là một dấu hiệu cho thấy bề mặt còn rất trẻ, thậm chí có khả năng được trẻ hóa hàng năm.

Giữa hai thái cực này có hai vách đá hình bán nguyệt, vách đá lớn hơn rộng khoảng 20 km. Bên trong phần cong vào của các vách đá này là những đụn cát phủ đầy sương giá".

Chúng được gọi là máng cực, một đặc điểm được tạo ra khi gió thổi vào và làm mòn bề mặt.

Không chỉ lạ lùng và thú vị, dữ liệu chi tiết về một khu vực có băng nước là "kho báu" mà Mars Express đã gửi cho người Trái Đất.

Trong tương lai, các cơ quan vũ trụ hàng đầu như NASA, ESA có kế hoạch lập căn cứ Sao Hỏa. Khi đó, băng nước sẽ trở thành "suối nguồn sự sống", nơi họ có thể tìm cách để biến thành nước sinh hoạt và nhiên liệu.

Hơn nữa, sự hiện diện của nước ở một hành tinh khác là điều cần thiết để có thể suy diễn hành tinh đó có thể sống được.

Với các bằng chứng khoa học hiện tại, hầu hết các nhà khoa học đều tin tưởng rằng Sao Hỏa từng hiện diện sự sống vào khoảng vài tỉ năm trước, khi khí hậu của nó tương đồng Trái Đất chứ chưa bị những bước tiến hóa hành tinh không may biến thành khắc nghiệt.

Thậm chí, một số nhà khoa học vẫn hy vọng một dạng sống cực đoan nào đó, cho đến ngày nay, vẫn trú ẩn đâu đó trên hành tinh này.

Vật thể màu xanh lá cây, tỏa sáng, mang hình dạng giống đầu một con quỷ có sừng, có thể sắp nổ tung trên bầu trời Trái Đất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN