Tấm lòng cộng đồng mạng ngày giáp Tết
Lại thêm một câu chuyện cổ tích giữa đời thường thời 4.0 được bắt đầu từ trên mạng xã hội, cho thấy tấm lòng của người Việt với nhau rất bao dung.
Ngày 1-2, ông Nguyễn Thông Tuấn - 48 tuổi, làm thợ hồ ở Đà Nẵng - đón xe ôm từ huyện Hòa Vang ra bến xe trung tâm Đà Nẵng rồi lên chuyến xe đò thường đi về nhà ở xã Suối Cát 2, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai chuẩn bị đón Tết cùng gia đình. Khi lên giường nằm, ông mới phát hiện chiếc nút túi quần sau đã bị đứt và cọc tiền 32 triệu đồng tích cóp cả năm trời được ông cột thun cất trong đó đã biến mất.
Ông Tuấn ra Đà Nẵng từ tháng 4-2020 và cùng em rể đi phụ hồ. Tình hình dịch Covid-19 khiến công việc của ông cũng chỉ cầm chừng. Nhờ được ăn ở tại nhà em rể, ông có thể tiết kiệm được tiền công gần cả năm để Tết mang về cho gia đình. Vợ ông ở quê nhà làm công nhân và chăm sóc con gái đang tuổi ăn học.
Thấy ông Tuấn òa khóc nức nở vì bị mất tiền, những người trên xe ai cũng mủi lòng. Bà Lê Thị Bình, 65 tuổi, chủ nhà xe Hải Vân chuyên tuyến TP HCM - Đà Nẵng, đã nhanh trí nhờ những hành khách đang ở trên xe chia sẻ tình cảnh ông Tuấn lên mạng xã hội, ban đầu chỉ với ý mong người nhặt được số tiền của ông sẽ tìm trả lại.
Điều tuyệt vời lại xảy ra trong cộng đồng mạng. Rất nhiều người đã hỏi cách chuyển tiền ủng hộ ông Tuấn. Bà Bình đã giúp ông nhận tiền người dân ủng hộ bằng cách cho số tài khoản nhà xe. Chỉ trong một buổi chiều mà kẻ ít (năm, bảy chục ngàn đồng), người nhiều (vài ba triệu) đã quyên góp cho người thợ hồ gặp tai ương số tiền khá lớn.
Theo lời bà Bình, khi thấy số tiền gửi về nhiều quá, ông Tuấn đã nhờ thông báo xin ngưng nhận và mong muốn những người hảo tâm chuyển sang giúp những người hoạn nạn khác. Tổng cộng, người thợ hồ giữa đường gặp hoạn nạn đã được cộng đồng mạng quyên giúp được gần 45 triệu đồng.
Riêng nhà xe Hải Vân đã miễn phí vé xe và còn bao ăn uống cho ông Tuấn suốt hành trình. Bà Bình cho biết khi xuống xe, được tài xế cho thêm 500.000 đồng, ông Tuấn đã cảm ơn và từ chối, nói rằng mình đã nhận được quá nhiều.
Khi được một tờ báo tại TP HCM hỏi chuyện, ông Tuấn bày tỏ: "Trải qua hoạn nạn, tôi nhận ra người Việt Nam mình tốt bụng quá. Họ không quen biết, thân thiết gì với tôi mà vẫn nhiệt tình giúp đỡ. Mấy ngày nay vẫn còn nhiều người gọi điện thoại hỏi thăm để giúp, mà tôi xin không nhận nữa và mong muốn họ chia sẻ cho người khó hơn mình".
Ông Tuấn xúc động: "Xin gửi lời cảm ơn tới bà con, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ gia đình chúng tôi. Tiền ân nghĩa nên tôi sẽ sử dụng thật tiết kiệm, sắm sửa cái Tết đầm ấm cho gia đình và giúp đỡ lại bà con lối xóm khó khăn".
Trong một năm qua, giữa đại dịch Covid-19 toàn cầu và thiên tai bão lũ ở Việt Nam, cộng đồng mạng cũng có lúc dậy sóng vì những kẻ xấu xí nhưng điều đáng nhớ hơn vẫn là những chia sẻ, những câu chuyện tốt lành. Đặc biệt là những tấm lòng chia sẻ, giúp đỡ, đùm bọc những người gặp hoạn nạn. Nhiều người lên mạng xã hội không chỉ để kết nối với nhau, chia sẻ buồn vui cho nhau mà còn để giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần tương thân tương ái - chúng ta là người Việt với nhau.
Gần 2 trên 10 người dùng internet ở khu vực Đông Nam Á chia sẻ tin tức trên mạng xã hội trước khi kiểm chứng.
Nguồn: [Link nguồn]