Tại sao gọi hacker mũ trắng là những chiến binh bảo vệ hòa bình thế giới?

Trên toàn cầu hiện nay, cứ mỗi phút có khoảng gần 10.000 cuộc tấn công mạng.

Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại địa chỉ http://mic.gov.vn, trong khuôn khổ lễ trao giải cuộc thi Whitehat Grand Prix 2018 vừa diễn ra tối ngày 1/11 tại Hà Nội, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: Hiếm khi nào Việt Nam mới tổ chức được một sự kiện tập hợp các chiến binh toàn cầu. Các hacker mũ trắng là những chiến binh bảo vệ cho hoà bình thế giới trên không gian mạng, giống như lực lượng gìn giữ hoà bình trong thế giới thực.

Tại sao gọi hacker mũ trắng là những chiến binh bảo vệ hòa bình thế giới? - 1

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao giải Nhất cho đội LC1BC đến từ Nga.

Whitehat Grand Prix 2018 là cuộc thi lần thứ tư được tổ chức thường niên bởi Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT phối hợp với Diễn đàn An ninh mạng Việt Nam. Cuộc thi năm nay với chủ đề “Truyền thuyết Việt Nam - Legends of Vietnam” đã thu hút hơn 700 đội dự thi từ khắp thế giới tham gia vòng loại để chọn ra 10 đội xuất sắc nhất tham dự vòng chung kết. Đội chủ nhà Việt Nam có 2 đại diện tham dự.

Kết quả chung cuộc, giải Nhất trị giá 230 triệu đồng (tương đương khoảng 10.000 USD) đã thuộc về đội LC1BC đến từ Nga; giải Nhì trị giá 45 triệu đồng (2.000 USD) thuộc về đội coconutCoffee đến từ Hàn Quốc; và giải Ba có giá trị 25 triệu đồng (1.000 USD) đã thuộc về đội p4team đến từ Ba Lan.

Cần duy trì lực lượng chiến binh toàn cầu

Chia sẻ với các đội tham gia, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Trên toàn cầu hiện nay, cứ mỗi phút có khoảng gần 10.000 cuộc tấn công mạng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chiến tranh đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Nếu chúng ta tạo ra một tình huống của thời chiến và sống trong môi trường ấy với tinh thần chiến đấu, chúng ta sẽ trở thành những người giỏi nhất. Câu chuyện hacker ngày hôm nay rất giống bối cảnh trong chiến tranh, khi mà các hacker mũ trắng ở đây đóng vai trò của những chiến binh bảo vệ hòa bình.

“Nếu như những chiến binh này sát cánh bên nhau, đây sẽ là những người giỏi nhất thế giới. Và vì thế, chúng ta rất cần duy trì lực lượng chiến binh toàn cầu này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Tại sao gọi hacker mũ trắng là những chiến binh bảo vệ hòa bình thế giới? - 2

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với các đội tại sự kiện.

Bên cạnh đó, Hacker mũ trắng và mũ đen cũng chính là đại diện của cái thiện và cái ác. An ninh mạng là biểu tượng của cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Chúng ta sống trong không gian mạng mới chỉ được chục năm, do vậy còn rất ít kinh nghiệm, hệ thống pháp luật hay phương thức quản lý còn đơn sơ, điều này khác hẳn so với thế giới thực. Những chiến binh an ninh mạng là những người giúp thế giới ảo an toàn như thế giới thật. Đây được coi là sứ mạng lịch sử trao cho các bạn làm an ninh mạng hay các hacker mũ trắng.

Ngoài ra, tư lệnh ngành TT&TT cũng chia sẻ thêm: “Cuộc sống thực được ánh xạ vào thế giới ảo, khá nhiều logic trong thế giới thực có thể áp dụng vào thế giới ảo. Do vậy các hacker mũ trắng hoạt động trong không gian ảo rất cần hiểu cuộc sống thực, những logic của cuộc sống thực chứ không chỉ riêng thế giới ảo. Các bạn trẻ dành rất nhiều thời gian để làm chuyên môn, nhưng hãy dành nhiều thời gian hơn nữa để sống cuộc đời thực, để hiểu cuộc đời thực và từ đó làm tốt hơn những công việc của mình trong thế giới ảo”.

Bảo vệ không gian mạng mang lại sự thịnh vượng cho thế giới, cho loài người

Đánh giá cao việc đưa các yếu tố văn hóa Việt Nam vào cuộc thi an ninh mạng WhiteHat Grand Prix những năm qua, Bộ trưởng nhận định: “Riêng về không gian mạng, chúng ta sẽ còn phải đi hành trình rất xa, càng đi xa bao nhiêu thì lại càng phải về gần bấy nhiêu, về với cái gốc là văn hóa dân tộc mình, giá trị đạo đức của xã hội, cần giữ cái gốc đó để đi xa hơn”.

Với yêu cầu không dùng logic cũ khi sống trong một không gian mới, ông yêu cầu cuộc thi năm sau sẽ cho các đội thi tấn công vào các hệ thống thực: “Bộ TT&TT sẽ chọn ra một số hệ thống khoanh vùng, có thể là hệ thống vào loại an toàn số 1 Việt Nam để các đội thi vượt qua thách thức”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Sự thịnh vượng của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào Internet, thế nhưng Internet lại không an toàn. Chúng ta làm cho Internet an toàn hơn cũng tức là chúng ta làm cho thế giới thịnh vượng hơn. Vậy nên đội ngũ hacker mũ trắng đang giúp thế giới và các quốc gia thịnh vượng hơn. Đây là những người thúc đẩy sự thịnh vượng của thế giới, của loài người”.

Tại sao gọi hacker mũ trắng là những chiến binh bảo vệ hòa bình thế giới? - 3

Toàn cảnh cuộc thi.

Tư lệnh ngành TT&TT Việt Nam cũng gửi lời nhắn nhủ đến cộng đồng những người hoạt động trong lĩnh vực An ninh mạng của đất nước. Đó là chúng ta có cơ hội trở thành cường quốc về an ninh mạng. Do chiến tranh, chúng ta đã bị bỏ lỡ và không thể trở thành một cường quốc về công nghiệp cũng như quân sự. Nếu chúng ta có khát vọng lớn lao về việc trở thành người đứng đầu thế giới về an ninh mạng thì Việt Nam có thể trở thành những cường quốc về an ninh mạng.

Cường quốc an ninh mạng cũng giống như một cường quốc quân sự trong thế giới thực, khi có sức mạnh đó, đất nước sẽ hoà bình lâu dài, vì thế chúng ta sẽ có cơ hội phát triển kinh tế, tích luỹ để trở thành một cường quốc kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn những người hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng Việt Nam và các nước khác hãy nhận về mình sứ mạng rất lớn lao, vĩ đại, là những chiến binh bảo vệ hoà bình thế giới, là những người thúc đẩy sự thịnh vượng của xã hội, của thế giới và loài người trong không gian mạng, thay đổi cơ bản xã hội loài người, cách mà con người đang sống, làm việc và sáng tạo”.

10 nhóm bảo mật VN và quốc tế sắp tranh tài ”nảy lửa”, họ là ai?

Có những nhóm bảo mật đến từ Nga, Mỹ,... với thứ hạng hiện đang nằm trong top 10 CTF của thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PV ([Tên nguồn])
Internet và những hiểm họa khôn lường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN