Tại sao chúng ta đừng quá hi vọng vào việc di cư lên Sao Hỏa?
Trên thực tế, Sao Hỏa là một hành tinh quá khắc nghiệt để phần đông con người di cư lên đó.
Sao Hỏa được chụp bởi tàu thăm dò Viking 1 năm 1980.
Kể từ khi bùng nổ cuộc chạy đua lên vũ trụ và nghiên cứu không gian, con người luôn nhìn về Sao Hỏa như một nơi mà chúng ta có thể biến thành thuộc địa và đưa người lên đó sinh sống. Đây là hành tinh mà chúng ta xem là sống được trong toàn bộ Hệ Mặt Trời.
Tuy nhiên, có vẻ như phần lớn con người đã hiểu sai về khái niệm “sống được” của Sao Hỏa. Thực tế sống được ở đây là có nhiệt độ phù hợp, không quá nóng để bị thiêu cháy như Sao Thủy, Sao Kim, cũng không quá lạnh để bị đông cứng như các hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời.
Tuy nhiên ngoài nhiệt độ ra, còn quá nhiều thứ ngăn cản chúng ta đổ bộ lên Sao Hỏa. Không phải là chúng ta không thể sống ở đó, nhưng để xem nó như một nơi giống như Trái Đất, có thể sống bình thường thì hoàn toàn không.
Vậy tại sao sao Hỏa lại là một nơi khó sống như thế? Chúng ta có dữ liệu của rất nhiều trung tâm nghiên cứu về Sao Hỏa, mà rõ nhất là chương trình “Thám hiểm sao Hỏa” của NASA trong nhiều năm qua. Từ những dữ liệu đó, có thể chỉ ra những khó khăn khi định cư ở sao Hỏa như sau:
Dưỡng khí
Sao Hỏa có bầu khí quyển, nhưng nó rất mỏng. Áp suất khí quyển của Sao Hỏa chỉ bằng 1% so với Trái Đất. Bầu không khí của nó cũng loãng và chứa đến 95% là CO2 - loại khí độc hại với sự sống, vậy nên chúng ta hoàn toàn không thể thở được trong bầu khí quyển của Sao Hỏa.
Vậy nên con người sẽ luôn cần phải có khí oxy tự cung cấp. Chưa nói về sự khó khăn khi tạo ra, thì việc giữ cho nguồn sống này luôn an toàn cũng là vấn đề, do các bình chứa khí sẽ luôn có áp suất cao hơn so với áp suất bình thường của Sao Hỏa.
Năng lượng
Do nằm xa Mặt Trời hơn so với Trái Đất nên Sao Hỏa nhận được ít ánh sáng từ Mặt Trời hơn 40% so với chúng ta. Điều này khiến cho vấn đề tạo năng lượng để duy trì cơ sở hạ tầng là rất khó khăn. Năng lượng thu được từ pin Mặt Trời là khá ít ỏi. Năng lượng gió cũng không khả thi vì Sao Hỏa có ít gió do khí quyển quá mỏng. Vậy nên muốn hoạt động, con người lại phải vận chuyển năng lượng hạt nhân từ quê nhà lên.
Hình ảnh chụp bởi robot tự hành Spirit: Mặt trời sẽ trông rất nhỏ khi nhìn từ sao Hỏa.
Bức xạ
Khí quyển mỏng và yếu, chính vì vậy Sao Hỏa không ngăn được các tia tử ngoại của Mặt Trời tấn công. Theo tính toán của NASA, bức xạ trên Sao Hỏa cao gấp 50 lần so với Trái Đất. Nếu hứng chịu ánh sáng từ đó, chúng ta sẽ nhanh chóng bị lão hóa làn da, nguy cơ ung thư tăng cao. Vậy nên để tránh bức xạ, không gian sống lại phải bịt kín.
Đất trồng cây
Việc trồng cây trên Sao Hỏa cũng là một điều rất khó thực hiện. Đất ở đây chứa lượng oxit sắt rất cao khiến cho nó có màu đỏ cam. Ngoài ra, đất cũng chứa nhiều muối peclorat rất độc, tiếp xúc nhiều có thể gây chết người. Vì vậy, để trồng được cây bằng đất Sao Hỏa, con người phải khử trùng đất trong một quy trình rất phức tạp.
Trọng lực
Trọng lực trên Sao Hỏa chỉ bằng 38% trọng lực trên Trái Đất. Trong thời gian đầu, con người sẽ cảm thấy khỏe hơn, nhảy cao hơn, chạy xa hơn. Tuy nhiên sau thời gian dài, trọng lực yếu sẽ gây ra những vấn đề như teo cơ, loãng xương và các vấn đề về tim mạch. Điều này rõ ràng là sẽ khiến cho thể chất con người tệ đi nhiều và đẩy lùi quá trình tiến hóa của chúng ta.
Là người anh em của Trái Đất, nhưng thực tế Sao Hỏa rất khác với chúng ta.
Các nhà khoa học của Ý đã công bố nhiều chứng cứ khẳng định sự tồn tại của một cái hồ và nhiều ao nước mặn...
Nguồn: [Link nguồn]