"Tác giả" tượng Nhân sư 4.500 tuổi không phải con người?
Một nghiên cứu mới cho thấy người Ai Cập 4.500 năm trước chỉ chỉnh sửa bức tượng Nhân sư (Sphinx) biểu tượng cạnh kim tự tháp Khafre. Nó đã được một "thế lực bí ẩn" đặt ở đó từ lâu.
Nghiên cứu gây bất ngờ vừa được công bố trên tạp chí Physical Review Fluids, dẫn đầu bởi mọt nhóm nhà khoa học từ ĐH New York (NYU - Mỹ).
Bức tượng Nhân sư được đề cập nằm cạnh kim tự tháp Khafre, nơi an nghỉ của Pharaoh Khafre (còn gọi là Khafra) thuộc Vương triều thứ IV của thời kỳ Cổ Vương quốc Ai Cập.
Kim tự tháp Khafre và bức tượng Nhân sư canh giữ phía trước - Ảnh: EYGYPT TIME TRAVEL
Kim tự tháp Khafre là kim tự tháp lớn thứ 2 trong Quần thể kim tự tháp Giza (tỉnh Giza - Ai Cập) và bức tượng Nhân sư vĩ đại ở đây được cho là nguyên mẫu của nhiều phiên bản nhân sư lớn nhỏ khác được con người tạo ra sau đó.
Cả hai công trình đều được cho là xây dựng dưới thời vị pharaoh này, khoảng năm 2500 trước Công nguyên. Thế nhưng, mô phỏng mới được dựng nên tiết lộ một kịch bản khác.
Nhóm nghiên cứu đã dùng một ụ đất sét mềm với vật liệu cứng hơn bên trong, đặt nó trong một đường hầm nước chảy xiết nhằm mô phỏng quá trình xói mòn do gió hàng ngàn năm. Các quá trình được tinh chỉnh theo nhiều thông số tinh vi, phù hợp với tính chất của khu vực.
Cách mà tượng Nhân sư đã được điêu khắc ban đầu - Ảnh đồ họa: Math Lab
Cả khối đất ban đầu chỉ là một hình nửa elip, giống như đa phần các ụ đất đá khác trên Trái Đất. Tuy nhiên, nhờ vật liệu cứng hơn bên trong và hướng gió, đầu của một con vật giống sư tử bắt đầu thành hình.
"Chúng tôi đã chứng minh quá trình xói mòn tự nhiên thực sự có thể tạo nên một hình dạng giống một con sư tử đang nằm với một cái đầu ngẩng lên" - PGS Leif Ristroph từ NYU nói với Live Science.
PGS Ristroph lưu ý rằng ngay cả khi một đặc điểm tự nhiên như thế tồn tại, người Ai Cập cổ đại cũng đã thực hiện một khối lượng công việc đáng kể để tạo ra cấu trúc mang tính biểu tượng này, trong đó nổi bật nhất là khuôn mặt người, để biến tảng đá hình sư tử thành nhân sư.
Kết quả này cũng phù hợp với việc những cấu trúc dạng "yardang" xuất hiện ở một số nơi thuộc vùng sa mạc của Ai Cập và cả các sa mạc khác trên thế giới.
Yardang là những cấu trúc đá trông giống như điêu khắc, có nguồn gốc từ vật liệu tự nhiên, được tạo nên bởi sự xói mòn. Chúng thường có một mặt dốc đứng, một mặt xuôi dần về phía "đuôi", tạo nên khối đá có hình dạng như một cánh buồm hoặc một con vật đang ngóc đầu lên.
Một số cấu trúc yardang - Ảnh: AGU BLOGOSPHERE
Một nghiên cứu thực địa của nhà khảo cổ học, Ai Cập học người Pháp Emile Baraize từ những năm 1939 cũng lập luận rằng tượng nhân sư được xây dựng dựa trên hai yardang nằm gần nhau, một cái tạo nên phần đầu, một cái tạo nên phần mông cong lên như sư tử nằm.
Nguồn: [Link nguồn]
“Hành tinh thứ 9“ khiến Liên đoàn Thiên văn Quốc tế (IAU) và NASA bất đồng quan điểm tiếp tục đem lại niềm hy vọng mới về khả năng sống được thông qua một siêu núi lửa...