Sự thật đằng sau mức lương 1 USD của các CEO hàng đầu nước Mỹ

Sự kiện: Công nghệ

Một số giám đốc điều hành nổi tiếng đã giảm tiền lương của họ xuống còn 1 đô la. Nhưng động thái này có vẻ không “cao cả” như bạn nghĩ.

Trong vài thập kỷ qua, một xu hướng gây tò mò đã xuất hiện: Một số lượng nhỏ (nhưng ngày càng tăng) các CEO xuất chúng quyết định chỉ nhận lương 1 USD. Danh sách này bao gồm những tên tuổi “máu mặt” nhất của Thung lũng Silicon như Mark Zuckerberg (CEO, Facebook), Evan Spiegel (CEO, Snapchat), Jack Dorsey (CEO, Twitter), và Larry Page - CEO Alphabet, Inc (vừa từ chức).

Sự thật đằng sau mức lương 1 USD của các CEO hàng đầu nước Mỹ - 1

Việc giảm lương này thường mang tính biểu tượng, được các CEO sử dụng để truyền thông điệp rằng họ chia sẻ rủi ro cùng với các cổ đông trong thời điểm khó khăn của công ty. Nó cũng được ca ngợi như một hành động cao cả - một cử chỉ hy sinh, đáng xưng tụng mà các nhân viên khác nên noi theo.

Sự thật, mức lương 1 đô la của các CEO thường không cao quý như vẻ ngoài của nó. 

Nguồn gốc mức lương 1$ của CEO

Đầu những năm 1940, nước Mỹ vật lộn tìm cách giữ cho nền kinh tế trụ vững trong suốt Thế chiến thứ hai. Mọi người đều được kỳ vọng làm tròn bổn phận của mình - trong đó bao gồm các nhà lãnh đạo kinh doanh hàng đầu đất nước.

Một số nhà điều hành nức tiếng lúc đó, Philip Reed - CEO của General Electric và William S. Knudsen - Chủ tịch General Motors, đã cung cấp dịch vụ cho chính phủ miễn phí. Nhưng vì luật pháp bấy giờ cấm Washington thuê tình nguyện viên làm việc không công, nên những CEO này được trả lương tượng trưng 1 đô. Họ nhanh chóng nổi danh với tên gọi “những người đàn ông nhận 1 đô la/năm.”

Nhiều thập kỷ sau, ý tưởng này được một loạt các CEO mới trong khu vực tư nhân làm theo. Nhưng đây không còn là biểu tượng của sự hy sinh trong thời chiến, mà là một cử chỉ chứng tỏ với các cổ đông.

Lee Iacocca, CEO của Tập đoàn Chrysler.

Lee Iacocca, CEO của Tập đoàn Chrysler.

Người tiên phong cho xu hướng này là Lee Iacocca, CEO của Tập đoàn Chrysler. Năm 1979, Chrysler, một trong những công ty ô tô “Big 3” (trong ngành công nghiệp ô tô, thuật ngữ dùng để chỉ ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất của đất nước) của Mỹ, đang trải qua tình trạng vô cùng tồi tệ. Sau hậu quả của cuộc khủng hoảng dầu mỏ, họ phải vật lộn tìm nguồn vốn giải quyết sự thay đổi trong thị hiếu của người tiêu dùng - nhu cầu về xe kiểu dáng nhỏ tăng cao và cạnh tranh với xe ngoại nhập cũng đang gay gắt.

Iacocca quyết định yêu cầu chính phủ giúp đỡ. Để chứng tỏ quyết tâm vực dậy công ty, ông cắt lương của mình còn 1 đô la.

Khi Chrysler trả được khoản vay liên bang 1,5 tỉ đô la và công ty cuối cùng cũng ổn định lại, Iacocca được tôn vinh là “tấm gương sáng” và có “tinh thần hy sinh”. Kể từ đó, mức lương 1 đô la trở thành động thái PR mặc định giữa các CEO giàu có muốn chứng minh mình sẵn sàng cắt giảm thu nhập khi công ty gặp nguy khốn.

Trong thời vỡ bong bóng dot-com đầu những năm 2000, cũng có một số CEO công nghệ lừng lẫy tham gia câu lạc bộ 1 đô.

Steve Jobs nổi tiếng vì đã cắt lương mình xuống 1 đô ngay sau khi gia nhập lại Apple và tiếp tục làm điều này trong hơn một thập kỷ. James Barksdale (Netscape), John Chambers (Cisco), Tom Siebel (Siebel Systems) và Larry Ellison (Oracle) cũng nhanh chóng làm theo.

Sự thật đằng sau mức lương 1 USD của các CEO hàng đầu nước Mỹ - 3

Đến năm 2006, nhận lương 1 đô là xu hướng thời thượng cho các CEO công nghệ. Thời báo Los Angeles cho động thái này là “biểu tượng quyền lực mới.”

Ngày nay, nhiều CEO bộn tiền nhất đất Mỹ chọn tiếp tục truyền thống này. Nhưng “sự hy sinh” của họ khác xa tinh thần của lớp CEO tượng đài những năm 1940. Số tiền những giám đốc điều hành trong quá khứ kiếm được cực kì ít ỏi và phần lớn trong số đó là dưới dạng tiền lương.

Ngược lại, tiền lương chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng thu nhập của các CEO hiện nay. Tài sản của giám đốc điều hành thời hiện đại đến từ cổ phiếu và quyền chọn, thay vì tiền mặt. Chẳng hạn, Jeff Bezos đã tự trả cho mình mức lương 81.840 đô la vào năm 2018, nhưng cổ phần của ông ở Amazon đã tăng thêm 24 tỷ đô la, khiến ông trở thành người đàn ông duy nhất trên Trái đất có giá trị tài sản ròng 12 chữ số.

Sự thật đằng sau mức lương 1 USD của các CEO hàng đầu nước Mỹ - 4

Mặc dù mức lương 1 đô la mà các CEO nhận thường được tán tụng như một hành động cao thượng, nhưng nguồn thu nhập khác đem lại cho họ những khoản lợi khổng lồ - và thường không được trưng cho công chúng.

Chiêu bài tiền lương 1 đô

Đầu tiên, nghiên cứu cho thấy nhiều CEO có mức lương 1 đô la được thưởng bằng các gói chứng khoán, quyền chọn hay những lợi ích cộng thêm tương đương hay thậm chí vượt hẳn số tiền mặt mà họ hy sinh trên cuốn sổ lương.

Một nghiên cứu năm 2011 với 50 giám đốc điều hành kết luận rằng: trung bình những CEO 1 đô từ bỏ mức lương 610.000 đô nhưng kiếm lại 2 triệu đô với “các hình thức thu nhập dựa trên những dạng tài sản khác ít được biết đến".

“Chúng tôi tìm được bằng chứng phù hợp với quan điểm rằng mức lương 1 đô của các CEO là một mưu mẹo để che giấu việc trục lợi. Đây không phải là cử chỉ hy sinh như mọi người tưởng. Những phát hiện của chúng tôi cho thấy việc áp dụng mức lương 1 đô cho CEO là hành vi cơ hội của những CEO giàu có, quá tự tin và có ảnh hưởng,” những nhà nghiên cứu viết.

Một nghiên cứu tương tự so sánh mức lương của các CEO nhận 1 đô với các CEO nhận “nhiều đô” và thấy rằng: dù các CEO 1 đô kiếm ít hơn khoảng 1,6 triệu đô tiền mặt so với các đồng nghiệp, thì cuối cùng họ vẫn có 3,5 triệu đô từ các hình thức thu nhập thay thế.

Chẳng hạn Steve Jobs nhận mức lương 1 đô từ 1997 đến 2011 - tổng cộng ông nhận 15 đô tiền mặt. Nhưng trong khoảng thời gian đó, giá trị cổ phiếu của ông đã tăng từ 17,5 triệu đô la lên 2,2 tỷ đô la và Apple đã thưởng cho ông một chiếc máy bay riêng trị giá 90 triệu đô la. Chỉ riêng năm 2007, ông đã nhận 647 triệu đô la từ đầu tư cổ phiếu hạn chế.

Một số ví dụ khác:

Năm 2011, Larry Ellison tự trả cho mình 1 đô la nhưng kiếm được hơn 77 triệu đô la bằng các hình thức thu nhập khác. Năm 2018, Giám đốc điều hành Kinder Morgan, Steve Kean, nhận mức lương 1 đô la nhưng được trao tặng cổ phiếu trị giá 16 triệu đô la. Năm 2018, Giám đốc điều hành Capital One Financial, Richard Fairbank, không nhận đồng lương nào nhưng chấp nhận cổ phiếu trị giá khoảng 13 triệu đô la, cũng như tiền thưởng trị giá 4,2 triệu đô la.

Tinh thần “hào phóng” của các CEO này cũng có xu hướng hết hạn khá nhanh - trung bình khoảng 3 năm. Ví dụ, Meg Whitman nhận mức lương 1 đô khi làm CEO của HP vào năm 2011, nhưng đến năm 2013, mức lương của bà đã trở lại 1,5 triệu đô.

Sự thật đằng sau mức lương 1 USD của các CEO hàng đầu nước Mỹ - 5

Và nhớ Lee Iacocca? Đến năm 1983, ông là CEO được trả lương cao nhất ở Mỹ, với gói lương trị giá 20,5 triệu đô la.

Một trong những lợi ích được cho là nổi bật nhất của mức lương 1 đô là nó phù hợp với mục tiêu của CEO và công ty của họ đặt ra. Nó khuyến khích sự lãnh đạo tốt hơn và dẫn đến cải thiện mạnh mẽ hiệu quả làm việc. Nhưng ngay cả điều này cũng không đúng.

Trên thực tế, những công ty được điều hành bởi CEO 1 đô la có tỉ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) và thu nhập thấp hơn 1% mỗi tháng so với các công ty do CEO bình thường điều hành. Và việc cắt giảm lương cũng ít có liên quan đến việc cải thiện khả năng lãnh đạo.

Sự thật đằng sau mức lương 1 USD của các CEO hàng đầu nước Mỹ - 6

Tất nhiên, các CEO có động cơ khác nhau để nhận mức lương 1 đô la. Nhưng trong một số trường hợp có vẻ lợi ích cá nhân chiếm ưu thế.

“Cái này gọi là thả con săn sắt bắt con cá rô. Họ rất sẵn lòng đánh đổi thu nhập ngắn hạn để nhận được chiếc bánh cổ phần về lâu dài. Cái này còn tệ hơn nhiều việc nhận lương cao,” một nhà phân tích nói.

Hay Daniel Gross (đồng sáng lập Cue được Apple mua lại) đã viết vào năm 2003: “Nó giống như một người béo đã ngấu nghiến hai chiếc pizza mỗi ngày quyết định không ăn phần nấm phía trên để cắt giảm lượng calo.”

1 đô hay 1%?

Một nhà nghiên cứu cho biết: mức lương 1 đô là chiến thuật xuất sắc để đánh lạc hướng đám đông. Trong thời gian gần đây, nhận mức lương thấp hơn đã trở thành cách “ngụy trang” cho bất kỳ mối liên hệ nào với sự bất bình đẳng kinh tế.

Mark Zuckerberg - người đồng sáng lập, CEO của Facebook gia nhập câu lạc bộ lương 1 USD vào năm 2013. Ảnh: AP

Mark Zuckerberg - người đồng sáng lập, CEO của Facebook gia nhập câu lạc bộ lương 1 USD vào năm 2013. Ảnh: AP

Kể từ năm 1978, lương CEO đã tăng 940%. Trong cùng khoảng thời gian đó, mức lương của những vị trí còn lại chỉ tăng 11,9%. Trung bình thu nhập hiện nay của một giám đốc điều hành ở Mỹ gấp 278x lần công nhân bình thường. Phần lớn những tài sản này được trả bằng cổ phiếu và quyền chọn do hiệu quả công việc CEO mang lại, và chúng được đánh thuế thấp hơn thu nhập.

Tệ hơn nữa, nhờ một đạo luật năm 1993 được Quốc hội thông qua, tiền lương dựa trên hiệu suất làm việc có thể được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế của công ty. Khi các CEO nhận một mức lương cực nhỏ và chuyển phần lớn thu nhập của họ về các quyền chọn, những người nộp thuế khác là người thiệt thòi.

Vì vậy, lần tới nếu có ai ca cẩm với bạn rằng “bây giờ chẳng làm được gì với 1 đô”, hãy bảo rằng người đó nên đi làm CEO.

NÓNG: ”Ông trùm” công nghệ Trung Quốc kiện nhà mạng lớn nhất nước Mỹ

Huawei vừa đệ đơn kiện vi phạm bằng sáng chế chống lại Verizon tại tòa án quận Hoa Kỳ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tùng Lam (The Hustle) ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN