Sự sống đang tồn tại ở nơi không có hành tinh?
Các nhà khoa học Anh và Mỹ đã chỉ ra một loại thế giới sự sống tiềm năng mới trong vũ trụ, khác xa với những tưởng tượng trước đây.
Trong một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Astrobiology, các tác giả chỉ ra rằng sự sống có thể tạo ra và duy trì các điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của chúng mà không cần đến bất cứ một hành tinh nào.
Công trình được thực hiện bởi GS Robin Wordsworth, nhà khoa học Trái Đất và hành tinh từ Đại học Havard (Mỹ) và GS Charles Cockell, nhà sinh học vũ trụ từ Đại học Edinburgh (Anh).
Ảnh minh họa về một vùng sự sống không cần hành tinh - Ảnh: SCIENCE ALERT
Các định nghĩa chuẩn trước đây về nơi có thể tồn tại sự sống thường đòi hỏi nhất thiết phải có một hành tinh mang nhiều đặc tính giống với Trái Đất.
Tuy nhiên, hai nhà khoa học Anh - Mỹ cho rằng các hệ sinh thái ngoài hành tinh có thể tự nó tạo ra các rào cản sinh học để chống lại các yếu tố bất lợi của môi trường vũ trụ và mô phỏng một điều kiện giống như hành tinh trong một chiếc "bong bóng" vô hình, lơ lửng.
"Để hiểu được những hạn chế đối với sự sống ngoài Trái Đất, trước tiên chúng ta có thể xem xét lý do tại sao hành tinh quê hương của chúng ta lại là môi trường sống lý tưởng cho sự sống" - các tác giả viết.
Đó là nước lỏng, khả năng bảo vệ khỏi bức xạ, năng lượng vừa đủ từ sao mẹ để nuôi dưỡng sinh quyển, các quá trình hóa học phức tạp trong khí quyển và nơi mặt đất...
Họ lập luận: "Để tồn tại ngoài Trái Đất, bất kỳ sinh vật sống nào cũng phải thay đổi hoặc thích nghi với môi trường đủ để vượt qua những thách thức này".
Manh mối ở ngay địa cầu: Các vật liệu sinh học ở đây trên Trái Đất đã có thể làm được điều đó, với một số hệ sinh thái bị chôn vùi dưới lòng đất, trong băng, ẩn nấp trong nước sôi... có thể phát triển các điều kiện đặc biệt để tự tồn tại.
Một tổ hợp kỳ quặc bao gồm lam khuẩn, rong biển, kiến bạc Sahara và tảo cát cho thấy khả năng tạo ra áp suất, nhiệt độ và một số điều kiện để nước lỏng có thể tồn tại mà không cần bất cứ loại môi trường quen thuộc nào khác.
Một mô hình dựa trên các loài này cho thấy vật liệu cách điện cao có thể được sản xuất một cách nhân tạo từ nguyên liệu sinh học hoặc thậm chí trực tiếp từ các sinh vật sống.
"Phép tính này giả định một môi trường sống trôi nổi tự do, nhưng những cân nhắc tương tự cũng áp dụng cho môi trường sống trên bề mặt của một tiểu hành tinh, mặt trăng hoặc hành tinh" - các tác giả cho biết
Môi trường trôi nổi tự do này cũng cho thấy khả năng chống lại sự bay hơi của nước cũng như các tác động của của tia cực tím.
Rào cản cuối cùng là việc nhận đủ năng lượng từ sao mẹ để duy trì sự sống cũng được giải quyết bởi tảo Bắc Cực, vốn phát triển trong điều kiện ánh sáng cực kỳ yếu dưới băng.
Nghiên cứu cũng xét đến các yếu tố khác như kích thước tế bào và các yếu tố hạn chế kích thước của các sinh vật đơn bào và các sinh vật lớn hơn, phức tạp hơn. Họ kết luận rằng không thể loại trừ các môi trường sống hoàn toàn tự chủ.
Cuối cùng, sự tiến hóa của sự sống ở chính Trái Đất từng nhiều lần cho thấy chúng có thể đi theo những con đường rất khác so với chính chúng ta và muôn loài.
Các nhà sinh học vũ trụ cũng ngày một chấp nhận rộng rãi giả thuyết về một môi trường sống không giống truyền thống nơi các ngoại hành tinh, tức các hành tinh thuộc hệ sao khác.
Vì vậy, một môi trường sống trôi nổi không có lý do gì để trở nên bất khả thi.
Câu hỏi cuối cùng là liệu loại cấu trúc sinh học mà chúng ta thảo luận ở đây có thể tiến hóa một cách tự nhiên mà không cần sự can thiệp của trí tuệ không?
Sinh vật Trái Đất chưa làm được điều này nhưng các tác giả tin rằng với các công cụ quan sát ngày một tối tân, nhân loại có thể tìm ra bằng chứng về kiểu môi trường sống tiềm năng này.
Ngoại hành tinh WASP-69 b đang quấn quanh ngôi sao mẹ của nó bằng một chiếc đuôi ma quái dài hơn 44 Trái Đất xếp cạnh nhau.
Nguồn: [Link nguồn]