Sử dụng SIM di động không chính chủ có thể bị xử phạt lên đến 500.000 đồng
Theo Cục Viễn thông, các cá nhân khi chuyển nhượng quyền sử dụng thuê bao cho cá nhân khác mà không thực hiện thủ tục giao kết lại hợp đồng theo mẫu, ký kết điều kiện giao dịch với nhà mạng di động được coi là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính lên đến 500.000 đồng.
Bộ TT&TT đang tăng cường quản lý SIM kích hoạt sẵn trên thị trường. Ảnh có tính minh họa Internet.
Theo nguồn tin từ Cục Viễn thông, tổng số thuê bao di động ở Việt Nam đã đạt hơn 130 triệu, Việt Nam được đánh giá là nước có mật độ thuê bao viễn thông trên 100 dân cao nhất thế giới. Nhưng nghiêm trọng hơn là nước ta đã xuất hiện nhiều đối tượng dùng SIM di động để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đe dọa, tống tiền, nhắn tin, quấy rối, lừa đảo. Nên việc có một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng quy định sẽ tạo điều kiện để các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đồng thời bảo vệ, bảo đảm quyền lợi của người dân, đồng thời tạo nền tảng cho hoạt động của kinh tế số, kinh tế trên mạng, đặc biệt là phát triển các dịch vụ mới như Mobile Money, cấp mã số định danh điện tử.
Theo Cục Viễn thông, theo các quy định pháp luật hiện nay, các cá nhân khi chuyển nhượng quyền sử dụng thuê bao cho cá nhân khác mà không thực hiện thủ tục giao kết lại hợp đồng theo mẫu, ký kết điều kiện giao dịch với nhà mạng di động được coi là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính lên đến 500.000 đồng.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1, điều 2, Nghị định 49, hành vi sử dụng giấy tờ của người khác (kể cả được cho mượn) hay chuyển SIM mình đăng ký cho người khác sử dụng mà không giao kết lại hợp đồng thì chịu xử phạt vi phạm hành chính đến 500.000 đồng.
Ngoài ra, khi xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, các vụ án có liên quan tới số thuê bao di động do cá nhân hay tổ chức đứng tên chủ thuê bao, nhưng không trực tiếp sử dụng mà lại cho người có hành vi vi phạm pháp luật sử dụng, thì người đứng tên chủ thuê bao có trách nhiệm giải trình và chứng minh mình vô can khi cơ quan chức năng yêu cầu, thậm chí phải chịu trách nhiệm liên đới về hình sự nếu như hành vi vi phạm này gây hậu quả nghiêm trọng.
Để chấm dứt tình trạng mua bán SIM kích hoạt sẵn thì cần có sự hưởng ứng tham gia của người dân, các tổ chức, cá nhân trong xã hội, đặc biệt là người dân cần nhận thức được chỉ sử dụng SIM thuê bao chính chủ của mình và sử dụng đúng mục đích của mình, không tham gia mua bán SIM kích hoạt sẵn, không cho các cá nhân khác mượn, sử dụng giấy tờ của mình để đăng ký thông tin thuê bao, thực hiện các thủ tục về giao kết theo đúng quy định của nhà mạng khi đăng ký sử dụng SIM hoặc chuyển nhượng SIM.
Bên cạnh đó, khách hàng sử dụng SIM không chính chủ còn có nguy cơ: Bị mất số thuê bao đang sử dụng khi người có thông tin thuê bao khiếu nại lên nhà mạng. Có thể không nhận được sự hỗ trợ của nhà mạng, trong tương lai có thể không nhận được các ưu đãi của nhà mạng, không được sử dụng các dịch vụ gia tăng tiện ích như Mobile Money, định danh điện tử. Có thể bị cắt liên lạc hoặc thậm chí cắt dịch vụ khi không đi đăng ký lại thông tin thuê bao theo yêu cầu của nhà mạng.
Để đảm bảo quyền lợi của chính bản thân mình, người dùng di động cần kiểm tra thông tin thuê bao của mình bằng cách nhắn tin theo cú pháp TTTB gửi tới số 1414, hoặc kiểm tra trên trang thông tin của nhà mạng, nếu thông tin chưa chính xác cần cập nhật lại thông tin thuê bao và giao kết lại hợp đồng theo đúng quy định.
Bộ TT&TT cho biết, 6 tháng đầu năm 2019 đã có 1.855.849 thuê bao di động trả trước bị cắt giảm do không đủ thông tin thuê...