Startup công nghệ từ chối 5 tỉ của shark Bình tại Shark Tank

Đây là startup chấm công và xếp ca bằng điện thoại di động thông qua định vị GPS, Wi-Fi và nhận diện khuôn mặt bằng trí tuệ nhân tạo (AI).

Tại tập 12 của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4, Trần Viết Quân - nhà sáng lập Công ty Cổ phần Ứng dụng Di Động Xanh đã đến để giới thiệu ứng dụng quản lý nhân sự 4.0 có tên Tanca, kêu gọi đầu tư 150.000 USD cho 3% cổ phần.

Theo giới thiệu của Trần Viết Quân, Tanca giải quyết vấn đề chấm công và xếp ca bằng điện thoại di động thông qua định vị GPS, Wi-Fi và nhận diện khuôn mặt bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Đến nay, Tanca đã có hơn 50.000 người chấm công bằng điện thoại di động, trở thành một trong những ứng dụng dành cho chấm công phổ biến nhất Việt Nam.

Trần Viết Quân gọi vốn cho startup Tanca.

Trần Viết Quân gọi vốn cho startup Tanca.

Cuối năm 2019, Tanca ra mắt một phiên bản mới cho phép tích hợp tất cả máy chấm công vân tay trên thị trường. Giải pháp của Tanca sẽ đẩy dữ liệu từ máy chấm công lên cloud (điện toán đám mây) mà không cần thông qua phần mềm trên máy tính.

Cuối năm 2020, Tanca hợp tác với một công ty để ra mắt camera AI. Theo đó, chỉ cần đi qua camera ở khoảng cách từ 2 - 4m, camera sẽ tự động ghi nhận và chấm công. Điều này sẽ giảm thiểu thời gian chấm công, đồng thời giúp đảm bảo an toàn hơn trong mùa dịch.

Tanca có khoảng 700 khách hàng doanh nghiệp đang hoạt động, trên 500 khách hàng trả tiền với khoảng 50.000 người dùng trên thiết bị di động. Không chỉ có ứng dụng chấm công, Tanca còn cung cấp hệ thống quản lý yêu cầu liên quan đến chấm công như xin nghỉ phép, xin ra ngoài công tác, xin tăng ca...

Nói về bức tranh tài chính, nhà sáng lập Tanca cho biết, doanh nghiệp của mình được thành lập từ năm 2016, vốn điều lệ 3,5 tỉ đồng. Năm 2019, doanh nghiệp đạt doanh thu 2 tỉ đồng, năm 2020 đạt hơn 5 tỉ đồng, 4 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 2 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 20% mỗi tháng.

Hiện, startup đã hòa vốn và sử dụng dòng tiền đó để nuôi đội ngũ của mình. Bước tiếp theo, startup đang tìm kiếm người đồng hành trong việc phát triển hệ thống phần mềm quản lý chấm công rộng rãi hơn, nhắm tới trên 100.000 khách hàng trong vòng 5 năm tới.

Dàn "cá mập" tại Shark Tank mùa 4 tập 12.

Dàn "cá mập" tại Shark Tank mùa 4 tập 12.

Trả lời câu hỏi của shark Phú về khả năng kết nối với các phần mềm khác của doanh nghiệp, tính bảo mật, cách thu tiền..., Viết Quân cho biết, Tanca đặt dữ liệu trên Amazon Services (nền tảng điện toán đám mây của Amazon) và có các chuẩn bảo mật. Tanca cũng đã kết nối rất dễ dàng với các phần mềm ERP (phần mềm quản lý đa chức năng của doanh nghiệp).

Tanca hiện đang thu tiền theo hình thức thuê bao hàng tháng hoặc hàng năm. Đối với mảng chấm công, startup bán với giá 10.000 đồng/nhân sự/tháng. 

Shark Linh đánh giá mô hình của startup không quá đặc biệt và hỏi về kế hoạch phát triển trong tương lai, dự định dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Viết Quân nhận định, công nghệ nhận diện khuôn mặt còn phát triển nhiều. Tuy nhiên, startup đang tập trung vào phần chấm công nên chỉ xử lý ở khu vực chấm công.

Cho rằng công nghệ nhận diện khuôn mặt rất phổ biến và hiện nay có hàng chục doanh nghiệp cung cấp API nhận diện khuôn mặt với độ chính xác cực cao, shark Bình gợi ý startup “không cần sáng chế lại bánh xe” mà chỉ cần chọn giải pháp nào rẻ thì tích hợp vào.

Shark Bình cũng nhận định các công ty phần mềm khác sẽ dễ dàng sao chép lại UI/UX (giao diện người dùng) của Tanca nên lợi điểm độc nhất của startup phải là bán hàng. “Có thể bán được rất nhanh, rất nhiều phần mềm cho rất nhiều khách để làm sao bao phủ được thị trường, đó mới là mấu chốt của bạn. Còn công nghệ khuôn mặt hay công nghệ chấm công bằng Wi-Fi, bằng GPS... đối với trình độ phát triển công nghệ hiện nay không còn là rào cản”, shark Bình nói.

Shark Nguyễn Hòa Bình tại tập 12 Shark Tank mùa 4.

Shark Nguyễn Hòa Bình tại tập 12 Shark Tank mùa 4.

Đáp lại ý kiến của shark Bình, Viết Quân cho rằng, nếu các doanh nghiệp khác trên thị trường làm được điều này họ đã làm từ lâu. Bởi vì các máy chấm công không thể giải quyết được vấn đề này nên tạo ra một ngách phân khúc để Tanca có thể giải quyết vấn đề cho khách hàng. Hầu hết các công ty đang quản lý nhân sự hiện tại đều phải xuất file Excel ra và xử lý bằng tay.

Không đồng tình quan điểm, shark Bình nhận định: “Các phòng nhân sự vẫn hoàn toàn làm bằng Excel nhưng có lý do. Lý do là vì chính sách lương của các doanh nghiệp rất phức tạp và lại biến thiên theo tháng. Ứng dụng của bạn đảm bảo không bao giờ có thể giải quyết được bài toán tính lương bằng Excel. Khi nhìn hàng chục cột về chính sách, chế độ khác nhau thì tôi bảo đúng là vẫn phải quay về Excel “thần chưởng” thì mới xử lý được”.

“Bọn em sẵn sàng miễn phí phần mềm cho shark nếu không giải quyết được vấn đề của shark. Em chắc chắn vì em đã giải quyết được vấn đề cho hàng ngàn người rồi”, Viết Quân khẳng định.

Sau khi nghe startup trình bày, shark Phú đánh giá: “Em đã hòa vốn thì anh nghĩ là việc gọi thêm vốn cũng không phải quá quan trọng với bọn em”. Chính vì thế, shark Phú quyết định không đầu tư cho Tanca nhưng cho biết có thể trở thành khách hàng của startup.

Shark Liên cũng không đầu tư vì cho rằng môi trường làm việc cực kỳ quan trọng, người bị giám sát sẽ có tâm lý khó chịu.

Shark Hưng cũng từ chối đầu tư vì cho rằng 150.000 USD không thay đổi tình hình kinh doanh của startup. Shark giải thích: “Tại vì bạn chủ yếu là B2B. Và giải pháp của bạn cũng đã tạm ổn rồi, không cần tiền để phát triển lên nữa, còn cải tiến thì lúc nào cũng cần". Tuy nhiên, đánh giá giải pháp của startup có vài khía cạnh có thể mang lại hiệu quả nên shark sẽ yêu cầu phòng nhân sự nghiên cứu và sử dụng ứng dụng này.

Là nhà đầu tư mạnh về công nghệ, shark Bình nhận định Tanca tăng trưởng chậm và cho rằng “làm phần mềm mãi không giàu được”. Tuy nhiên, NextTech hiện đang bán hàng cho 200.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính là đối tượng khách hàng của Tanca. Mặc dù phạm vi phần mềm của Tanca còn nhỏ hẹp nhưng cũng là mảnh ghép phù hợp với Next360 với khoảng 20 phần mềm chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Di đó, shark Bình đề nghị 5 tỉ đồng cho 20% cổ phần. “Vì tôi làm công nghệ nhiều rồi, tôi hiểu nỗi đau của startup công nghệ là bán hàng. 20% là động lực để chúng tôi giúp cho bạn làm giàu”, shark giải thích.

Cho rằng 20% là con số lớn, không tạo ra động lực để startup có thể mở rộng và phát triển trong tương lai, Viết Quân đề nghị 150.000 USD cho 5% cổ phần.

Về phía shark Bình, cho rằng mức định giá startup đưa ra là phi lý với tình hình doanh nghiệp hiện tại, shark không thay đổi con số đã đưa ra.

Cuối cùng, Trần Viết Quân từ chối đề nghị đầu tư của shark Bình.

Shark Tank: Shark Hưng dùng 10 tỷ để ”mua tương lai” khi có mạng 5G và internet vệ tinh

"Khi 5G ra đời, internet vệ tinh sẽ là nền tảng ủng hộ cho 3D. Lúc đó chúng ta sẽ bùng nổ", shark Hưng kỳ vọng về...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Startup công nghệ tại Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN