Số vụ tấn công mạng tại Việt Nam giảm mạnh nhất trong 5 năm
Số vụ tấn công mạng từ Internet tại Việt Nam đã giảm mạnh chưa từng có trong 5 năm qua, theo báo cáo của Kaspersky.
Mặc dù có nhiều tội phạm mạng lợi dụng tình hình các công ty gấp rút chuyển sang hình thức làm việc từ xa, nhưng số liệu thống kê mới nhất từ Kaspersky Security Network (KSN) cho thấy số lượng các cuộc tấn công mạng đã giảm.
Cụ thể, trong năm 2021, Kaspersky đã phát hiện và chặn tổng cộng 63.482.728 vụ tấn công mạng khác nhau lây lan qua Internet trên máy tính người dùng thuộc KSN tại Việt Nam. Đây là con số thấp nhất trong vòng 5 năm qua, giảm 871.402 vụ so với năm 2020.
Số lượng mối đe dọa an ninh mạng tại Việt Nam qua các năm.
Xét về tỉ lệ, tỉ lệ người dùng Internet Việt Nam bị tấn công bởi các mối đe dọa từ Internet trong giai đoạn này là 41,5%, tương ứng vị trí thứ 32 trên toàn cầu về số lượng các cuộc tấn công trực tuyến. Trong khi đó, Philippines là quốc gia có số lượng người dùng bị tấn công trực tuyến cao nhất Đông Nam Á, với 51,5%, tương ứng với vị trí thứ 4 trên toàn thế giới.
Ngoài ra, số liệu từ Kaspersky cũng cho thấy, các mối đe dọa liên quan đến phần mềm độc hại phát tán qua USB, CD, DVD và các phương thức ngoại tuyến khác trong năm 2021 cũng đã giảm đáng kể so với các năm trước, với tổng số 162.913.157 vụ.
Như vậy, so với năm 2020, số lượng các mối đe dọa ngoại tuyến ở Việt Nam đã giảm 38,3%, từ 268.515.947 vụ. Theo báo cáo này, 56,7% người dùng Việt Nam bị tấn công bởi phần mềm độc hại lây lan, xếp thứ 31 trên toàn cầu và giảm 23 bậc so với năm trước.
Một trong những đóng góp to lớn về việc giảm số lượng các cuộc tấn công mạng vào năm 2021 là những nỗ lực của Việt Nam trong việc tạo ra một không gian mạng an toàn.
Theo đó, hội thảo trực tuyến “An toàn thông tin trong chuyển đối số, những thách thức và cơ hội mới” do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM) tổ chức mới đây đã xác định an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương đã cơ bản hoàn thành việc triển khai các Trung tâm điều hành, giám sát an ninh mạng và được kết nối với hệ thống của Trung tâm An ninh mạng quốc gia (NCSC).
Trước thực tế trên, các chuyên gia an ninh mạng khuyến nghị người dùng Internet:
- Tuân thủ các giải pháp bảo mật an ninh mạng khi làm việc tại nhà và duy trì bảo mật cho các thiết bị đầu cuối của công ty: Sử dụng VPN, EDR và các hệ thống phát hiện xâm nhập trên các thiết bị đầu cuối sẽ đảm bảo nhân viên trở lại công việc tại chỗ một cách an toàn.
- Kiểm tra các dịch vụ quan trọng nội bộ và cập nhật hệ thống nội bộ ngay lập tức nếu có bất kỳ máy chủ nào chưa được vá trong hệ thống.
- Sử dụng xác thực nhiều lớp, đặc biệt khi truy cập vào thông tin tài chính hoặc đăng nhập vào mạng công ty.
- Luôn chuẩn bị các bản sao lưu của dữ liệu quan trọng.
- Sử dụng giải pháp bảo mật đáng tin cậy với khả năng bảo vệ khỏi mối đe dọa mạng.
- Sử dụng mật khẩu mạnh, phức tạp và khác nhau để truy cập tài nguyên của công ty.
- Không chia sẻ thông tin tài khoản công việc của bạn với bất kỳ ai.
- Lưu ý các email đang cố gắng tạo cảm giác cấp bách, và không bao giờ nhấp vào tệp đính kèm hoặc nhấp vào các liên kết trong email lạ trước khi xác minh người gửi.
- Sử dụng các thiết bị do công ty cung cấp cho công việc để tránh rò rỉ thông tin và các vấn đề bảo mật khác.
Nguồn: [Link nguồn]
Unikey là bộ gõ tiếng Việt miễn phí được sử dụng trên hầu hết máy tính Windows.