SIM điện thoại giá rẻ vẫn bán tràn lan từ cửa hàng tới mạng xã hội

Sự kiện: Internet

Các cửa hàng, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, hội nhóm buôn bán, chuyển nhượng SIM điện thoại vẫn hoạt động nhộn nhịp. Giá được rao bán rất rẻ, chỉ cần vài chục ngàn đồng, người dùng đã có thể sở hữu sim 4G, 5G.

Tại buổi họp báo định kỳ tháng 9-2023, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết tình trạng đứng tên hộ để đăng ký thông tin thuê bao hiện còn nhiều. Theo quy định, mỗi người chỉ đăng ký được 3 SIM nhưng nhiều người nghĩ đơn giản chỉ là đứng hộ tên, chứ không biết rằng mình đã vô tình tạo ra sim rác. Dù qua kiểm tra, đối soát với cơ sở dữ liệu dân cư đều là người thật, tên thật, địa chỉ thật nhưng SIM đứng tên xong lại được bán cho người khác. 

Các đợt thanh tra gần đây cho thấy tình trạng đứng tên hộ sim chủ yếu liên quan các đại lý. Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các nhà mạng, yêu cầu chấn chỉnh việc này. Các nhà mạng cam kết dừng hoạt động đại lý phát triển thuê bao từ ngày 10-9, chỉ tập trung vào kênh chuỗi có uy tín. Nhà mạng nào vi phạm, bộ sẽ xử lý nghiêm theo Nghị định 14/2022 - đình chỉ doanh nghiệp phát triển thuê bao từ 3 - 12 tháng, tùy theo mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, theo ghi nhận tại TP HCM những ngày gần đây, các đại lý kinh doanh sim điện thoại vẫn hoạt động bình thường. Khi hỏi về thông tin các nhà mạng sắp tới sẽ dừng phân phối sim qua kênh đại lý để tập trung kênh chuỗi uy tín, các đại lý cho rằng chỉ tác động đến điểm bán sim đã kích hoạt sẵn.

Đại lý bán sim vẫn hoạt động bình thường trước giờ "G"

Đại lý bán sim vẫn hoạt động bình thường trước giờ "G"

Đại diện một đại lý sim trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, quận 3, TP HCM cho rằng pháp luật chỉ cấm bán sim kích hoạt sẵn. Hiện tại, các nhà mạng vẫn chưa có thông báo gì đến cửa hàng. 

"Tôi có giấy phép kinh doanh, với ngành nghề là buôn bán thiết bị viễn thông, sim, thẻ điện thoại… Toàn bộ sim ở đây đều chưa kích hoạt, khách mua phải xuất trình chứng minh nhân dân hay căn cước công dân, hộ chiếu thì tôi mới bán" - đại diện cửa hàng này khẳng định.

Người này còn thông tin cửa hàng là đại lý được ủy quyền của các nhà mạng nên có tài khoản để kích hoạt sim dựa theo giấy tờ khách hàng xuất trình, tương tự cửa hàng của nhà mạng.

Nhân viên Công ty TNHH Thương mại dịch vụ viễn thông K.S (quận Bình Thạnh, TP HCM) - chuyên kinh doanh sim số đẹp - cũng khẳng định công ty có ứng dụng (app) của các nhà mạng để hỗ trợ đăng ký chính chủ. 

Công ty này cam kết giao sim được đăng ký thông tin chính chủ theo căn cước công dân mà người mua cung cấp. Do đó, việc bán sim của công ty vẫn bình thường trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, chuyên kinh doanh sim số đẹp, từ lâu ông không bán sim kích hoạt ảo (thông tin không chính chủ), chỉ giữ sim đăng ký thông tin đúng quy định. "Khi khách hàng chọn số, chốt giá thì tôi đi chuyển nhượng thông tin đăng ký thuê bao để họ đứng tên chính chủ" – ông Trung giải thích. 

Ông Trung nói các biện pháp mà cơ quan chức năng và nhà mạng đưa ra là để dẹp sim rác, thông tin ảo, trong khi sim số đẹp không thuộc dạng này.

Hiện nay, các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, hội nhóm buôn bán, chuyển nhượng sim vẫn hoạt động nhộn nhịp với giá sim rất rẻ. Những nơi này chưa đề cập gì về vấn đề các nhà mạng ngưng phát hành sim qua kênh đại lý từ ngày 10-9.

Trao đổi với phóng viên, đại diện thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết đến ngày 8-9 vẫn chưa nhận được thông tin chính thức triển khai từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo một nhà mạng lớn, đơn vị thực hiện theo triển khai của bộ.

Bộ TT&TT: Để ”trảm” SIM rác, cần sự hợp tác của người dùng di động

Đến hết tháng 8/2023, các nhà mạng sẽ cơ bản hoàn thành việc bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao chính là người sử dụng số thuê bao đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bài và ảnh: NGỌC ÁNH ([Tên nguồn])
Internet Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN