Shipper công nghệ trở lại "bình thường mới": Dễ đặt hàng và giá đã giảm

So với một tuần trước “bình thường mới”, không còn cảnh phí ship vượt quá tiền hàng hay tìm mãi không thấy shipper khi đặt qua ứng dụng Grab, Gojek,...

So với khoảng 2 tuần trước, nhiều người tại TP.HCM cho biết, họ đã đặt đồ ăn, mua - bán hàng qua app đặt món, giao hàng dễ “dính” đơn hơn. Một phần do lực lượng shipper hoạt động trở lại đông đảo. Bên cạnh đó, so với một tuần trước “bình thường mới”, giá giao hàng đã giảm một nửa, không còn cảnh phí ship vượt quá tiền hàng.

Thử đặt một đơn hàng GrabFood giao từ quận 1 sang quận 3 với khoảng cách 2,1km, phí ship là 26.000 đồng.

Thử đặt một đơn hàng GrabFood giao từ quận 1 sang quận 3 với khoảng cách 2,1km, phí ship là 26.000 đồng.

Không còn khó "chốt đơn" qua app

Vừa gấp laptop chuẩn bị nghỉ trưa, anh Quốc Tuấn (nhân viên văn phòng, Q.3, TP.HCM) nhận được cuộc gọi từ shipper thông báo sẽ giao cà phê trong vòng 10 phút nữa. Thế là, sau nhiều tháng giãn cách, cuối cùng, anh Tuấn cũng có thể thưởng thức được ly Cheese Coffee yêu thích cho thỏa “cơn thèm”.

“Trước đây, khi còn làm tại văn phòng, tôi cùng đồng nghiệp hầu như cách vài hôm là lại đặt cà phê vừa để uống, vừa “đãi” team khích lệ tinh thần. Từ lúc giãn cách, làm việc tại nhà thì hầu như phải “cai” hẳn. Tuần này may quá, lên GrabFood xem thử thì thấy quán “mở” lại, thế là đặt luôn, đơn được nhận ngay và còn giao khá nhanh”, anh Tuấn chia sẻ.

Cùng chung niềm vui đặt được đồ ăn, không phải chầu chực “canh me” shipper vất vả như thời gian trước, chị Khánh Vân (quận Bình Thạnh) cho biết: Quận chị ở thuộc “vùng đỏ”, trước đặt đồ ăn hay hàng thiết yếu cũng… trần ai vì không có shipper. Ngay khi Thành phố thông báo shipper được hoạt động liên quận, chị đã hồ hởi đặt thử và thành công.

“Chỉ mới tuần trước, tôi mở cùng lúc GrabFood, ShopeeFood, Baemin, GoFood từ sáng tới trưa mà chẳng “dính” đơn nào, họa hoằn 10 đơn được 1, 2 đơn. Mà tuần này thì khác rồi, hầu như mua đồ ăn, đặt hàng vèo vèo. Mình muốn ăn gì lên ứng dụng đặt, không mất thời gian tự nấu như trước”.

Thật vậy, không chỉ với Grab mà Gojek cũng ghi nhận tín hiệu tích cực: Nếu như cách đây 1 tuần, cứ 100 lần khách đặt hàng chỉ có 6 - 10 lần tìm được tài xế thì đến ngày 29/9, tỉ lệ đơn hàng tìm được tài xế đã xấp xỉ 80%. Được biết, hiện 80% tài xế Gojek cũng đã đủ điều kiện hoạt động trở lại.

Hàng quán bán mang về không thể thiếu sự hỗ trợ của lực lượng shipper. (Ảnh minh họa)

Hàng quán bán mang về không thể thiếu sự hỗ trợ của lực lượng shipper. (Ảnh minh họa)

Nhìn chung, anh Tuấn, chị Vân cùng đánh giá, hiện số lượng hàng quán bán lại trên các ứng dụng khá nhiều từ những quán nhỏ đến quán có thương hiệu. Shipper các hãng cũng hoạt động nhiều hơn, ít còn tình trạng đơn hàng bị từ chối do không tìm được shipper.

Nói về giá cả giao hàng, so với 2 tuần trước đây, giá đã giảm mạnh, nhiều đơn lúc trước có phí ship 60.000 - 70.000 đồng, giờ giảm còn tầm 35.000 - 45.000 đồng với cùng khoảng cách. “Tôi thấy giá ship hiện tại chưa thể về mức “bình thường” như lúc chưa có dịch nhưng giảm như thế là ổn quá rồi. Vả lại, tôi thấy ship có cao hơn xíu cũng không sao, quan trọng là mình đặt được đồ ăn, chứ như trước mua gì cũng không được thì “oải” lắm”, chị Vân chia sẻ.

Cũng theo chị Vân, chị rất đồng cảm với nỗi vất cả của giới shipper. Nếu không xếp hàng ở quán lâu thì họ cũng phải thông biết bao cái chốt, chưa kể phải tuân thủ quy định tiêm vắc-xin, test COVID vừa mất thời gian vừa ảnh hưởng tới thu nhập.

Cùng quan điểm với chị Vân, anh Tuấn chia sẻ: “Thật ra với công sức của những bác tài mùa dịch thế này, cá nhân tôi cũng cảm thấy sẵn sàng trả mức giá có cao hơn, hay thậm chí tip thêm để phần nào tương xứng với công sức của họ mùa dịch”.

Giới kinh doanh online "thở phào"

Sau nhiều lần phải đặt shipper ngoài với giá đắt đỏ cho những đơn hàng liên quận mà lại rất ít người nhận thì chỉ trong tuần này, chị Cẩm Nhung (một chủ shop online tại quận Bình Thạnh) đã giao được 9 đơn hàng trở lại trên ứng dụng Ahamove cho khách ở nhiều quận.

Một tài xế Grab đang lấy món tại một cửa hàng tại TP.HCM.

Một tài xế Grab đang lấy món tại một cửa hàng tại TP.HCM.

“Trước có những đơn book ship ngoài, giá báo có khi lên đến 200.000 đồng cho địa điểm xa như quận 12 chẳng hạn. Tôi bán yến và các thực phẩm thiết yếu nên nhiều người cần mua, cả tôi và khách đều “cắn răng” chịu ship mỗi đầu một nửa, mà có khi còn không có shipper nhận. Nhưng giờ thì đặt app dễ thở rồi, giá cả rõ ràng, đơn đi đều đều. Giá trung bình mỗi đơn cỡ 40.000 - 50.000 đồng, tăng hơn so với trước dịch tầm 15.000 - 20.000 đồng tuỳ theo khung giờ, tôi thấy mức này cũng hợp lý và đã giảm nhiều so với vài tuần trước đó”, chị Nhung chia sẻ.

Là người bán hàng, chị Nhung nhận thấy, trong mùa dịch, vai trò của shipper công nghệ ngày càng quan trọng. Bản thân chị cũng rất thông cảm với đội ngũ này. “Shipper họ chạy ngoài đường, qua chốt thì phải dừng lại trình giấy tờ, khai báo y tế, nhiều nơi có chốt chặn thì phải chạy vòng vòng, chưa kể mưa gió, nắng nôi, nguy cơ tiếp xúc với F0 đủ cả. Do đó, ở phía khách, tôi cũng nói khách thông cảm, không giục. Nhiều khách họ cũng tip thêm cho shipper dù đơn hàng đó phía tôi đã trả ship rồi”, chị nói.

“1 - 2 tuần trước, trong mấy giờ cao điểm như ăn trưa, thú thật tôi phải đặt nhiều lần mới có shipper, hơi mất thời gian; nhưng vẫn ưu tiên đặt qua ứng dụng để tiện theo dõi đơn, nắm giá, với cũng phần nào yên tâm hơn vì kiểm tra được tình trạng tiêm vắc-xin của shipper. Các tài xế này cũng là đội ngũ chuyên nghiệp, tuân thủ quy tắc 5K nên cả mình và khách đều an tâm hơn”, chị Nhung đánh giá.

Thông tin tiêm vắc-xin của một tài xế công nghệ.

Thông tin tiêm vắc-xin của một tài xế công nghệ.

Cùng với quyết tâm tăng tốc chiến dịch tiêm chủng, việc nới lỏng cũng đang mở ra hi vọng về trạng thái “bình thường mới” trong việc cung ứng hàng hoá cho người dân. Tình trạng thiếu hụt shipper cũng được giải tỏa khi TP.HCM có khoảng 92.000 shipper đăng ký hoạt động, dự kiến sẽ ồ ạt hơn nữa trong vài ngày tới. Người dùng nhờ đó có thể tiếp cận hàng hóa kịp thời và được giao hàng nhanh chóng với giá cả đã hợp lý trở lại.

Grab, Gojek, Be xử lý sao khi phải xét nghiệm COVID-19 định kỳ cho tài xế?

Khi hoạt động, các tài xế công nghệ Grab, Gojek, Be,... phải tuân thủ trang bị theo bộ nhận diện shipper, thực hiện xét nghiệm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Giao hàng nhanh thời công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN