Shark Tank: Startup đấu giá online gọi vốn 1 triệu USD phải ra về “tay trắng”
"Tôi cảm giác càng đấu giá càng lỗ. Quy mô thị trường khá chi là bé mặc dù có rất nhiều tài sản đang cần đấu giá ở ngoài kia", shark Dzung Nguyễn đánh giá.
Tập 14 của chương trình truyền hình thực tế Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ mùa 3 vừa lên sóng với những startup công nghệ tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số. Tuy nhiên, từ ý tưởng đi đến một mô hình kinh doanh có đầy đủ tính pháp lý và kinh doanh hiệu quả không phải là điều đơn giản.
Startup gọi vốn cho mô hình đấu giá online.
Mở đầu phần gọi vốn bằng phần mô phỏng một phiên đấu giá offline theo phương thức truyền thống, Đỗ Thị Hồng Hạnh - Co-founder Công ty Đấu giá Hợp doanh Lạc Việt chia sẻ: Doanh nghiệp đấu giá của cô với với 8 năm làm nghề chỉ mở được tối đa 20 phiên/tháng, không thể đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận.
Đến 1/7/2017, Luật Đấu giá có hiệu lực đã tạo ra một hình thức đấu giá mới là đấu giá trực tuyến. Hình thức này giúp các doanh nghiệp đấu giá có thể tổ chức ra hàng trăm phiên mỗi tuần, và việc theo dõi các sản phẩm đấu giá của người bán và mua trở nên dễ dàng hơn.
Với mục tiêu đưa đấu giá Việt Nam hòa nhập với thế giới và kết nối được với các nước khu vực, Đỗ Thị Hồng Hạnh đã đến Shark Tank để kêu gọi 1 triệu USD đầu tư vào dự án sinh thái đấu giá trực tuyến Lạc Việt (Lạc Việt online) của mình với 20% cổ phần.
Co-founder cũng cung cấp thêm thông tin: Tổng doanh số bán trên toàn quốc chỉ tính riêng tài sản đấu giá của nhà nước là 600.000 tỷ/năm, trong số đó đấu giá Lạc Việt bán được 3.000 tỷ/năm. Trong năm 2015 - 2016, startup tổ chức đấu giá cho các tài sản tư nhân ở khách sạn 5 sao với chi phí từ 300 - 500 triệu/phiên; tuy nhiên, làm theo hình thức này thì không hiệu quả về mặt chi phí nên đến năm 2018, startup dừng lại và chuyển sang xây dựng đấu giá trực tuyến. Theo đó, mỗi phiên đấu giá chỉ được tối đa 300 triệu, do khống chế của luật nên doanh thu năm 2018 chỉ ở mức 6 tỷ đồng, lợi nhuận 20%.
Các "cá mập" đang nói về dự án đấu giá online trên Shark Tank mùa 3.
Hiện đang đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc - Công ty cổ phần Thẩm định giá Thế kỷ (CenValue), do đó shark Phạm Hưng nhanh chóng lên tiếng rút lui khỏi thương vụ sau phần trình bày của startup vì ông không được quyền đầu tư vào hoạt động đấu giá. Trước khi từ chối đầu tư, shark Hưng tiết lộ phí thẩm định hàng năm của CenValue thu được lớn hơn rất nhiều phí mà đấu giá Lạc Việt thu được (gấp 10 lần).
Với thông tin này, Đỗ Thị Hồng Hạnh một lần nữa giải thích rằng, phí thẩm định giá không bị hạn chế còn phí đấu giá theo luật quy định, tối đa một phiên đấu giá không được vượt quá 300 triệu đồng.
Theo bà Hạnh, mô hình đấu giá của Lạc Việt là công ty hợp doanh nên được Sở Tư pháp quản lý về mặt chuyên ngành tư pháp. Từ khi luật ra đời chưa có một đơn vị đấu giá nào trình đề tài trực tuyến. Ưu điểm của đấu giá trực tuyến so với offline là người tham gia đấu giá không bao giờ phải xuất hiện trong phiên đấu giá, hoàn toàn có thể ngồi một chỗ trả giá và tất cả việc đăng ký, nhập rồi trả giá đều được công khai minh bạch trên hệ thống mạng.
Trả lời thắc mắc của shark Dzung Nguyễn về vấn đề cấu trúc của công ty Lạc Việt sẽ ra sao khi có sự tham gia của nhà đầu tư, bởi Lạc Việt hiện là là công ty hợp doanh do Sở Tư pháp quản lý nhưng thông thường nhà đầu tư đầu tư chỉ tham gia vào các công ty cổ phần hoặc trách nhiệm hữu hạn do Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý.
Shark Dzung Nguyễn phân tích khá nhiều về dự án nhưng cũng từ chối đầu tư.
Đỗ Thị Hồng Hạnh cho biết, theo quy định, với mô hình đấu giá trực tuyến, công ty đấu giá trực tuyến được đi thuê lại hạ tầng của một công ty khác. Startup lập ra công ty cổ phần là Lạc Việt online sẽ quản lý toàn bộ hệ thống đấu giá trực tuyến, và công ty đấu giá hợp doanh chịu trách nhiệm trên danh nghĩa về pháp luật và đảm bảo tính chắc chắn của tài sản và chịu trách nhiệm về việc bán tài sản đấy.
Ngoài ra công ty iERB chuyên cung cấp và vận hành công nghệ của Lạc Việt online sẽ thành nhóm 3 công ty cùng vận hành việc này. “Khi các shark đầu tư vào, chúng ta sẽ tạo thành những hợp đồng liên kết và rõ ràng sẽ phải đầu tư vào cả một nhóm công ty”, nữ Co-founder nói.
Sau phần trả lời của startup, shark Dzung Nguyễn lắc đầu từ chối vào Lạc Việt online với nhận xét: “Nhà đầu tư không thể đầu tư vào công ty hợp doanh, vì đâu tư vào thì không phải hợp doanh nữa rồi. Đương nhiên sẽ đầu tư vào công ty cổ phần nhưng công ty này chưa có chức năng để đấu giá. Quy mô chị năm 2018 tầm 3.000 tỷ nhưng doanh số chỉ có 6 tỷ. Chị đã làm 8 năm rồi mà mới có 100 phiên/năm, trung bình chỉ có 60 triệu/phiên, mỗi lần tổ chức mất cả trăm triệu. Tôi cảm giác càng đấu giá càng lỗ. Quy mô thị trường khá chi là bé mặc dù có rất nhiều tài sản đang cần đấu giá ở ngoài kia, nhưng để thực hiện từ lúc thông qua công ty đấu giá để nó thành hiện thực, tôi cảm giác có rất nhiều rào cản”.
Đánh giá startup chưa có giấy phép và chưa góp vốn đủ (6 tỷ như đăng ký), đồng thời đây cũng không phải ngành quá am hiểu, lần lượt các “cá mập” còn lại cũng từ chối đầu tư.
“Ngáo giá“ khi kêu gọi đầu tư là vấn đề gây nhiều tranh cãi, đặc biệt liên tục nhắc tới tại Shark Tank mùa 3.