Shark Tank: Startup chuyển đổi số nửa vời phải ra về "tay trắng"
"Khi nào chúng ta thực sự làm rồi, thực sự ra kết quả rồi thì hãy nói là chuyển đổi số. Chúng ta phải nói chuẩn chỉnh”, shark Bình góp ý với startup.
Nguyễn Đô Sơn - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Say mê vừa xuất hiện tại Shark Tank tập 15, gọi vốn cho sản phẩm PI Online với con số là 3 tỷ đồng cho 20% cổ phần. Đây là sàn thương mại điện tử dành riêng cho nghệ thuật, hoạt động trên cả 2 nền tảng website và ứng dụng di động.
Nguyễn Đô Sơn - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Say mê.
Theo mô tả của người gọi vốn, các sản phẩm của PI Online hướng tới mở rộng và nâng cấp thị trường mỹ thuật với các tiêu chí như chứng nhận bản quyền tác phẩm, sàn giao dịch bán và cho thuê tác phẩm nghệ thuật, sàn đấu giá các tác phẩm nghệ thuật và tra cứu thông tin, lịch sử giao dịch các tác phẩm nghệ thuật.
PI Online có 2 nguồn doanh thu chính là kinh doanh trực tiếp các tác phẩm nghệ thuật và phần trăm doanh thu từ sàn thương mại điện tử. PI Online có vốn điều lệ đóng là 3 tỷ đồng, doanh thu năm 2019 đạt 7,3 tỷ đồng, năm 2020 là 8 tỷ. Dự kiến doanh thu năm 2021 đạt 10 tỷ đồng, năm 2022 đạt 30 tỷ đồng - khi pionline.vn đi vào hoạt động chính thức.
“Với 3 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật và là đối tác duy nhất của Drouot - sàn đấu giá trực tuyến hàng đầu châu Âu tại Việt Nam, chúng tôi hi vọng rằng PI Online sẽ giúp cho thị trường mỹ thuật ngày một phát triển”, Đô Sơn kỳ vọng.
Đô Sơn tiết lộ thêm, trước đây công ty anh có sàn đấu giá truyền thống, đã tổ chức được hơn 20 phiên, trong đó có 3 phiên quốc tế.
Lý giải về việc chuyển đổi số trong việc bán đấu giá, đại diện PI Online cho biết, chuyển đổi số là xu hướng của thế giới. Những tác phẩm gần như giá trị nhất, lớn nhất khi đấu giá, các nhà sưu tập không xuất hiện, tất cả đều bán trực tuyến. Năm 2020, dù dịch COVID-19 diễn ra, các nhà đấu giá thế giới tổ chức đấu giá trực tuyến thì doanh thu vẫn không đổi, thậm chí còn tăng.
Shark Hưng tại tập 15 của Shark Tank mùa 4.
Sau khi nghe giới thiệu về quy trình căn cứ xác nhận tranh giả, tranh thật, shark Hưng nhận xét: “Tôi cảm giác việc phân tích này có lẽ để miễn trừ trách nhiệm của sàn đấu giá, chứ chưa chắc đã là bạn có đủ thẩm quyền hoặc đủ năng lực, đủ độ tin cậy để ra phán quyết”.
“Thực ra, nhà đấu giá chỉ dựa trên uy tín của mình khi cung cấp những thông tin xác thực nhất, chứ không khẳng định. Tất cả các nhà đấu giá trên thế giới đều không khẳng định. Người mua phải tự chịu trách nhiệm với số tiền mua và đầu tư của mình dựa trên thông tin mà chúng tôi cung cấp”, Đô Sơn cho hay.
Shark Hưng tiếp tục đặt ra câu hỏi về lợi thế của đấu giá online với mô hình kinh doanh, Đô Sơn cho biết, tháng 5/2020, PI Online chính thức trở thành đối tác của Drouot tại thị trường Việt Nam. Việc ấy sẽ giúp giới thiệu các hiện vật, các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam ra thế giới. Đây cũng là cách giúp những nhà sưu tập có thể tiếp cận nghệ thuật Việt Nam tốt hơn. Kể từ tháng 5/2020 đến nay, PI đã tổ chức được 3 phiên đấu giá qua các nền tảng đấu giá trực tuyến của quốc tế.
Shark Phú đặt câu hỏi về lý do gọi vốn của startup, doanh số, lợi nhuận dự kiến trong tương lai. Đô Sơn cho hay, mình cần vốn để educate thị trường, tạo thói quen cho người dùng. Về bức tranh tài chính, đến hết năm 2020, PI đang lỗ lũy kế gần 2 tỷ đồng. Con số này đang giảm dần theo từng năm. Năm 2018 lỗ 1,4 tỷ, năm 2019 là 400 triệu, năm 2020 còn gần 200 triệu.
Shark Louis.
Shark Louis thì nhận định thị trường hơi nhỏ và hỏi startup về tương lai phát triển. Đô Sơn cho biết, doanh thu giao dịch trực tuyến của Việt Nam năm 2019 là 50 triệu USD. Anh tin tưởng nếu như PI Online trở thành sàn giao dịch trực tuyến hàng đầu Việt Nam, một phiên giao dịch trực tuyến có thể đạt được mức doanh thu đạt khoảng 1 - 2 triệu USD một phiên. Với 3 phiên đấu giá mỗi năm và hoa hồng khoảng 30 – 35%, Đô Sơn cho rằng đây không phải là một thị trường nhỏ mà một thị trường ngách.
Vì không phù hợp khẩu vị, shark Liên, shark Phú lần lượt từ chối đầu tư. Nhận định đây không thuộc lĩnh vực sở trường và cảm thấy không đủ thuyết phục nên shark Louis cũng từ chối đầu tư.
Đến shark Hưng, ông cho rằng, đây là lĩnh vực khá đặc thù. Tuy nhiên, shark Hưng chỉ ra việc chuyển từ đấu giá trực tiếp sang đấu giá trực tuyến không có nhiều sự khác biệt, vì hầu hết những công việc đó vẫn phụ thuộc vào chuyên môn của startup. Cho rằng online chỉ là công nghệ dùng để hỗ trợ kinh doanh, không giúp mô hình kinh doanh của startup bùng nổ, trong khi khẩu vị đầu tư của shark là đột biến, nên shark Hưng từ chối đầu tư.
Shark Bình thắc mắc việc shark đã tìm kiếm ứng dụng trên App Store nhưng chưa thấy. Đô Sơn lý giải: “App (ứng dụng) bản Android có rồi. Thực ra thì tháng 8 bên em mới launching (ra mắt) thực tế, mới đưa tạm lên để phục vụ kiểm thử”.
Shark Bình.
Shark Bình tiếp tục chỉ ra những điểm yếu khác của startup: Trên web không có các phiên đấu giá nào sắp diễn ra, phần đấu giá online cũng chưa có phiên nào đang diễn ra, sản phẩm bán online nhưng ảnh rất nhỏ. Shark Bình góp ý: “Mình cứ giương cao ngọn cờ chuyển đổi số cho hợp xu hướng, nhưng thực ra mình đã chuyển đổi số đâu. Khi nhà đầu tư vào kiểm tra ngay thực tế thì lại thấy nó đang không chạy, rất là fail”.
“Như vậy bạn sẽ phải sửa lại thông điệp. Mình làm cho nhà đầu tư hiểu lầm, người ta nghĩ là mình đã là một sàn thương mại điện tử đấu giá rất phát triển rồi, nhưng khi vào kiểm tra thực tế lại không đúng như vậy. Đây là một cái rất kỵ khi chúng ta đi kêu gọi vốn. Khi nào chúng ta thực sự làm rồi, thực sự ra kết quả rồi thì hãy nói là chuyển đổi số. Chúng ta phải nói chuẩn chỉnh”, shark Bình nói thêm.
Chính vì những lý do trên, shark Bình quyết định không đầu tư. Startup này phải ra về "tay trắng".
“Kỳ vọng viển vông… Bởi vì hiện nay đang có rất nhiều lựa chọn sẵn có trên thị trường và người ta đã phát triển...
Nguồn: [Link nguồn]