Khôn như shark Hưng tại Shark Tank: Ngồi im chờ các "cá mập" rời bể mới ra tay "bắt mồi"
Có quan điểm khác các "cá mập" cùng bể nhưng shark Hưng không nói ra ngay, để cuối cùng một mình một không gian ra deal với startup công nghệ đang gọi vốn.
Tại tập 13 của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 4, Nguyễn Phú Hòa - nhà sáng lập và điều hành công ty Thế Giới Số đã đến gọi vốn 5 tỷ cho 10% cổ phần để phát triển hệ thống phần mềm quản lý vận tải tàu container.
Phần mềm này có thể quản lý sơ đồ, thông tin xếp/dỡ container tại cảng và trên tàu; quản lý lịch sử khai thác, số lượng container và trạng thái ổn định của của từng tàu tại cảng; quản lý hồ sơ kỹ thuật của tàu, cảnh báo trạng thái mất ổn định khi xếp/dỡ container theo thời gian thực.
Nguyễn Phú Hòa - nhà sáng lập và điều hành công ty Thế Giới Số.
Về nguyên lý hoạt động của phần mềm, anh Hòa cho biết, phần mềm hoạt động theo 3 bước. Đầu tiên là số hóa toàn bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật của tàu để biết chiều dài, hệ thống GM (tính ổn định của tàu). Tiếp theo, nhập danh sách container chuẩn bị xếp lên tàu, phần mềm sẽ tính ra nhiều phương án để đảm bảo được chỉ số an toàn cao nhất. Sau đó, thuyền trưởng sẽ lựa chọn phương án xếp, dỡ phù hợp để đảm bảo chỉ số GM vẫn trong ngưỡng an toàn mà không phải chuyển, đảo container quá nhiều.
Nghe xong, shark Bình thẳng thắn nhận xét: “Nói về vấn đề chuyên môn, thuật toán này không có gì phức tạp cả. Bài toán này học sinh giỏi cũng làm được chứ không cần đến các kỹ sư. Cái khó lại quay về vấn đề kinh doanh. Thị trường ngách, sản phẩm không quá đặc biệt. Bạn phải biện luận về doanh thu, lợi nhuận như thế nào mới chào giá được như thế chứ”.
Phú Hòa lý giải: “Bởi vì hệ thống có nhiều phân quyền”. Anh cũng chia sẻ thêm rằng, mục đích đến chương trình gọi vốn là để xây dựng hệ thống phần cứng hỗ trợ cho phần mềm. Cụ thể là 2 thiết bị cảm biến để đo hướng gió đang tác động vào tàu, tốc độ gió, và chiều nghiêng, chiều chúi thực tế khi tàu đang hành hải. Các thiết bị này đều có thể kết nối với "đám mây".
“Nhưng đang hải hành rồi gió mất cân bằng thì làm sao xếp dỡ lại được nữa?”, shark Bình thắc mắc.
“Khi tàu đang hành hải mà phần cứng báo góc gió, tốc độ gió gây mất ổn định thì phải điều chỉnh hướng hành trình. Ngoài thuyền viên ra, hiện giờ khi tàu hành hải, không ai nắm cả. Nhưng giờ ban điều hành cũng nắm. Thay vì thuyền trưởng gọi về thông báo đổi kế hoạch... Giờ tốc độ gió như thế, bắt buộc phải điều chỉnh”, Phú Hòa giải thích.
Shark Bình tổng kết: “Bắt buộc phải nâng cấp tính năng IoT (internet vạn vật) để có thêm thông tin dữ liệu cho thuyền trưởng trong quá trình điều khiển”.
Dàn "cá mập" tại tập 13 của Shark Tank mùa 4.
Chia sẻ về bức tranh tài chính căn cứ định giá doanh nghiệp, Phú Hòa cho biết, từ năm 2017 đến nay đã đầu tư 7 tỷ đồng vào công ty. Công ty vừa phát triển xong phần mềm, chưa có doanh số. Thế Giới Số đang làm việc cho đối tác thứ hai. Hai đối tác đang vận chuyển khoảng 10 triệu TEU (thuật ngữ viết tắt của container 20 feet) mỗi năm, công ty thu phí 5.000 đồng/container.
Shark Phú đưa ra quan điểm, startup đã có phần mềm thì việc bán hàng mới là quan trọng. Nếu bán hàng được thì lúc đấy startup chẳng cần đầu tư thêm nhiều. Nhận định “ngành này hẹp, phần mềm này anh không có nghề” nên shark Phú quyết định không đầu tư.
Shark Bình nhận xét: “Tôi thấu hiểu được điểm yếu chung của các doanh nghiệp làm gia công mà chuyển sang doanh nghiệp làm sản phẩm đó là yếu về khâu thị trường. Ở đây hơi lãng mạn, thị trường có bao nhiêu triệu TEU, rồi lấy 5.000 đồng nhân với TEU là có được ngần này tiền, đấy là đếm cua trong lỗ...". Cho rằng kế hoạch kinh doanh của startup chưa rõ ràng, chưa có thế mạnh độc quyền và khác biệt, shark Bình cũng từ chối đầu tư.
Shark Hưng chờ các "cá mập" khác rời bể mới ra deal.
Nghe shark Bình rời bể, shark Hưng mừng thấy rõ và nói: "Cảm ơn shark Bình! Tôi nghĩ trong cái deal này, shark Bình là đối thủ đáng gờm nhất của tôi, cho nên tôi đã cố tình ngồi im và chờ shark Bình từ chối rồi tôi mới ra deal".
Khác quan điểm với shark Bình, shark Hưng nhận định: “Đây là phần mềm chuyên ngành. Vì chuyên ngành đặc thù nên ít đối thủ cạnh tranh. Và chúng ta có thể được dòng tiền tương đối ổn định và bền vững. Hơn nữa chúng ta đưa ra phần mềm, gần như doanh thu cũng là lợi nhuận luôn, chúng ta chỉ cần có người dùng là có tiền”.
Tuy vậy, shark Hưng cũng chỉ ra điểm yếu của startup là về mô hình kinh doanh. Shark cho biết sẽ cùng bàn bạc với startup để cải thiện mô hình này; xem xét ở góc độ cùng hợp tác phát triển giải pháp và sản phẩm. Do đó, shark Hưng đề nghị đầu tư 5 tỷ cho 45% cổ phần, giải ngân với điều kiện xem xét lại độ khả thi của ứng dụng.
Phú Hòa đáp lời: “Em thích câu nói của shark Hưng: “Đây là câu chuyện chuyên ngành”. Vì là chuyên ngành nên người trong ngành mới biết khả năng scale-up của nó thế nào”. Anh cũng nêu rõ quan điểm: Số phần trăm còn lại của mình không quan trọng bằng việc nó là bao nhiêu tiền và tin tưởng sự đồng hành của shark Hưng sẽ giúp phần mềm có nhiều hướng tiếp cận khách hàng hơn. Từ đó, Phú Hòa đồng ý với đề nghị của shark Hưng.
Shark Hưng và startup đồng ý hợp tác.
"Khi 5G ra đời, internet vệ tinh sẽ là nền tảng ủng hộ cho 3D. Lúc đó chúng ta sẽ bùng nổ", shark Hưng kỳ vọng về...
Nguồn: [Link nguồn]