Định giá 85 tỷ dù chưa bán gì, startup công nghệ sinh học khiến dàn "cá mập" bất ngờ
Startup này mang tới Shark Tank giải pháp công nghệ sinh học bảo vệ môi trường rất có ý nghĩa, nhưng chưa ra thị trường mà lại định giá lên tới 85 tỷ.
Đứng trước nỗi trăn trở của các thế hệ kế thừa về một hành tinh xanh, một thế giới trong lành không rác thải nhựa, anh Nguyễn Châu Long - nhà sáng lập và điều hành công ty Thiên Kim An với thương hiệu Bioplas mang đến Shark Tank Việt Nam mùa 4 một giải pháp phòng chống ô nhiễm trắng, ô nhiễm rác thải nhựa một lần. Đó là các hạt nhựa sinh học, túi nhựa phân hủy sinh học với thành phần chính là PLA, PBAT và tinh bột mì do chính công ty anh sản xuất.
Startup về hạt nhựa sinh học thân thiện với môi trường gọi vốn tại Shark Tank.
Nhà sáng lập Nguyễn Châu Long cho biết, sản phẩm của anh là “nhựa sinh học 100%, không có nhựa thông thường, sau khi tự hủy sẽ không để lại vi nhựa”, “sản phẩm đã được kiểm nghiệm tại châu Âu và Mỹ, được chứng nhận OK-Compost”. Hiện anh đã hoàn thành xong giai đoạn 1 với số đầu tư 16 tỷ đồng. Để chuẩn bị cho hành trình tiếp theo và mở rộng sản xuất, anh Châu Long đến Shark Tank để kêu gọi 4,5 tỷ đồng cho 5% cổ phần và chỉ bán tối đa 35% nếu có đề nghị đầu tư.
“Tôi mong muốn các Shark cùng quan tâm để giữ gìn trái đất này xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn cho thế hệ con em của chúng ta”, anh Châu Long kêu gọi sự đồng hành của các “cá mập”.
Mặc dù doanh nghiệp của anh Châu Long hiện nay vẫn chưa vào thị trường, chưa có doanh thu và lợi nhuận, nhưng đã định giá 85 tỷ (tương đương khoảng 4 triệu USD) khiến các shark không khỏi bất ngờ. Chính vì vậy, các shark đã liên tục đặt ra nhiều câu hỏi “chất vấn” startup về sản phẩm, công nghệ, giá cả, thị trường mục tiêu, điều kiện sẵn có,...
Đại diện startup chia sẻ, hiện doanh nghiệp anh có công nghệ, có nhà xưởng, có máy móc, có chứng nhận, có sản phẩm thật nên anh tự tin và sẵn sàng nếu có khách hàng tìm đến mình. Với lợi thế sẵn có, anh đã chia thị trường mục tiêu ra làm 2 loại với 2 sản phẩm chủ lực khác nhau: Tại thị trường quốc tế, anh hướng tới xuất khẩu hạt nhựa, bao bì nhựa sang châu Âu, Nhật và Mỹ; ngược lại, tại thị trường nội địa, bên cạnh bán sản phẩm, anh hướng đến mục tiêu chuyển giao công nghệ, giúp các khách hàng Việt Nam tự sản xuất, từ đó tiếp tục xuất khẩu sang các nước.
Bên cạnh đó, giá cả thành phẩm cạnh tranh, ngang bằng với giá túi nhựa thông thường cũng là một lợi thế mà anh Châu Long tự tin khi đưa sản phẩm của mình ra thị trường. Anh cũng khẳng định: “Mọi bước đang đi theo hướng đã tính toán nên chưa gặp khó khăn gì”.
Shark Phú là nhà đầu tư duy nhất tham gia thương vụ này.
Shark Liên nhận định, đây là một startup có khát khao, có lý tưởng và mong muốn đóng góp cho cộng đồng và môi trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa hoàn thiện nên shark Liên rút khỏi deal này và mong muốn hỗ trợ startup ở một dạng khác.
Shark Hưng chia sẻ thêm, đây là một trường hợp khiến anh phải suy nghĩ nhiều: “Công nghệ sinh học đang là xu hướng mới của xã hội và đây là một hướng đi tốt. Tuy nhiên tại giai đoạn này, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu và tính năng sản phẩm vẫn đang có trong giai đoạn khá sơ khai. Startup của bạn chỉ đang ở giai đoạn trên phòng thí nghiệm và đến với chương trình hơi sớm”. Chính vì vậy, shark Hưng không đầu tư.
Tiếp lời shark Hưng, shark Phú nhận xét nhựa sinh học là sản phẩm đã khá phổ biến, vì vậy giá cả sẽ quyết định sự chuyển đổi của người dùng. Sau một thời gian phân tích, shark Phú đã đưa ra đề nghị 4,5 tỷ đổi lấy 25% cổ phần.
Shark Việt cũng nhận xét startup này là một người dũng cảm nhưng mọi thứ đang còn trong giai đoạn sơ khai, nên shark xin rút. Shark Bình cũng có chung suy nghĩ, khâm phục, tôn trọng và ủng hộ ước mơ mà anh Châu Long đang theo đuổi. Tuy nhiên thế mạnh cuả shark Bình chưa hỗ trợ được cho startup trong giai đoạn này nên shark Bình cũng rút lui, nhường lại cuộc thương thảo cho shark Phú cùng startup.
Với offer duy nhất đến từ shark Phú, nhà sáng lập Châu Long có chút băn khoăn vì định giá hơi thấp. Anh tuyên bố “chắc chắn với các shark, đường này em sẽ thành nhưng em cần các shark hỗ trợ để chạy nhanh, để chiếm thị trường càng nhanh càng tốt” và bất ngờ cam kết ngược lại với shark Phú “nếu em làm thất bại thì em sẽ trả lại cho shark đúng số tiền đó. Em còn 4 căn nhà em bán để làm dự án này”.
Shark Phú thuyết phục startup chấp nhận đề nghị của mình bằng cách đưa ra những lợi ích khi startup về với mình như hệ thống đầu ra, hệ thống sản xuất, các giá trị sẵn có của hệ sinh thái,... Startup chỉ cần tạo ra sản phẩm nhanh nhất với giá thành thấp nhất có thể, còn shark Phú sẽ phụ trách việc đưa sản phẩm ra thị trường.
“Tiền với chúng ta không quan trọng, quan trọng là em dùng được cả hệ sinh thái của anh để tạo ra một khối lượng sản phẩm lớn, tiêu thụ được nó, và tạo ra tiền. Nếu mình em đi thì 10 cái nhà có thể vẫn chưa thành công. 4,5 tỷ chỉ là vốn góp ban đầu. Chúng ta có thể lên hàng nghìn tỷ nếu nó thành công”, shark Phú nhận định.
Vẫn còn nhiều băn khoăn về con số mà shark Phú đưa ra, startup chủ động đề nghị một con số khác: “15 tỷ cho 25%. Trong vòng 3 năm, nếu em làm không được, em bị phá sản, em giữ nguyên 3 căn nhà hiện tại của em cho shark”. Với đề nghị bất ngờ của startup và lợi thế đang là nhà đầu tư duy nhất ra deal, shark Phú quyết định đưa ra offer cuối cùng: Khoản vay chuyển đổi 15 tỷ, lãi suất 10%/năm kèm cam kết thế chấp 3 căn nhà. Sau 3 năm, nếu chuyển đổi sẽ tương đương 35% cổ phần.
Sau một thời gian cân nhắc, nhà sáng lập Châu Long quyết định chốt deal với shark Phú và bày tỏ mong muốn các shark có thể hỗ trợ giúp anh đi xa trên con đường này.
Dù nhận xét startup này "ngáo" trong cách định giá nhưng shark Bình vẫn ra giá đầu tư để tranh giành với shark Phú.
Nguồn: [Link nguồn]