Shark Tank: Cả "bể cá mập" xua tay startup công nghệ kiếm tiền từ... nước biển
"Để lên được doanh nghiệp doanh thu nghìn tỷ các bạn không thể chỉ bán sản phẩm theo cái cách như các bạn đang nói", Shark Hưng nhận định.
Là người con Nghệ An - nơi có nguồn muối ngon và diện tích hơn 660 hecta sản xuất muối, chị Trần Thị Hồng Thắm cùng chồng là Hồ Xuân Vinh luôn trăn trở về việc tận thu khai thác giá trị muối quê hương. Dành 5 năm nghiên cứu công nghệ phân tách vi khoáng đa tầng, vợ chồng chị Thắm, anh Vinh đã ứng dụng để tách các khoáng biển thành sản phẩm mang thương hiệu Nanosalt, trực thuộc công ty ABACA. Đến Shark Tank mùa 6, họ kêu gọi các Shark đầu tư 5 tỷ cho 25% cổ phần.
Hai nhà đồng sáng lập của Nanosalt.
Nanosalt hiện đã có mặt tại 9 tỉnh thành trên cả nước, thông qua 39 điểm bán là các cửa hàng thực phẩm sạch, đại lý, nhà phân phối các dòng sản phẩm sức khỏe. Bên cạnh đó, startup này còn cung cấp nguyên liệu cho 5 công ty gia vị và dược liệu và sắp tới sẽ tiếp cận thị trường thông qua các nhà thuốc.
Theo chia sẻ của Hồng Thắm, sản phẩm của Nanosalt có mức giá cao hơn từ 15 - 20% so với các sản phẩm trong siêu thị; nhưng lại thấp hơn 1/3 đến 1/10 so với các sản phẩm cùng phân phúc đang được nhập khẩu từ Nhật Bản, Mỹ.
Bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường vào tháng 6/2022, đến tháng 6/2023, Nanosalt đã đạt doanh số 1,5 tỷ, biên lợi nhuận là 20%. Dự kiến cuối năm 2023 startup sẽ đạt doanh thu 3 tỷ, năm 2024 là 10 tỷ và năm 2025 là 20 tỷ thông qua việc nhượng quyền công nghệ đến tất cả các bờ biển của Việt Nam.
Hồ Xuân Vinh cho biết, công nghệ của Nanosalt có thể giúp tăng 20% sản lượng ngành muối của cả nước. Ngoài ra, sản phẩm của startup có thể đi vào các ngành công nghiệp thực phẩm hoặc y tế. Nếu xây nhà máy đạt công suất 20 - 30 nghìn tấn/năm thì có thể thay thế được 400 - 600 tấn muối mà Việt Nam đang nhập khẩu từ nước ngoài hàng năm.
Nói về tiềm năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư, Xuân Vinh cho biết, Nanosalt có các dòng sản phẩm mang lại biên lợi nhuận cao, cá biệt lợi nhuận của dòng dược liệu có thể lên tới 50 - 60%. Trường hợp xấu nhất, startup vẫn có tài sản cố định để có thể thanh lý hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Shark Hưng nhận định startup cần thay đổi cách làm để có thể phát triển mạnh: “Giai đoạn này bạn phải thay đổi tư duy về kinh doanh. Tôi nghĩ để lên được doanh nghiệp doanh thu nghìn tỷ các bạn không thể chỉ bán sản phẩm theo cái cách như các bạn đang nói”.
Shark Hưng gợi ý thêm rằng, Nanosalt thay vì tự làm mọi việc từ khâu nghiên cứu, sản xuất đến truyền thông, tiếp thị, phân phối, thì thì có thể đi theo hướng B2B là gia công cho các tập đoàn lớn, nhắm đến thị trường toàn cầu. Còn dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, ông từ chối thương vụ này.
Shark Tuệ Lâm cũng từ chối đầu tư. Song cô gợi ý startup có thể làm giống như các công ty gia đình bên Hàn Quốc là cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các thương hiệu đang phân phối sản phẩm muối trên thị trường hoặc bán sáng chế thu hoa hồng trên từng đơn vị sản phẩm bán ra. Còn nếu vẫn muốn tiếp cận đến người dùng cuối, startup có thể đi vào các kênh sử dụng lượng muối lớn mỗi ngày như spa.
Từ khía cạnh của nhà đầu tư tài chính, Shark Louis cho biết ông tìm kiếm các công ty có khả năng phát triển mạnh mẽ. Còn dưới góc độ nhà đầu tư chiến lược, ông lại không hiểu về ngành muối để hỗ trợ startup. Do đó Shark Louis không đầu tư.
Shark Bình rời khỏi thương vụ, bởi sản phẩm muối không thuộc lĩnh vực chuyên môn của ông.
Shark Hùng Anh góp ý startup cần nêu ra được phương pháp tăng doanh số cụ thể và chi tiết như bán qua việc bán qua kênh nào, đối tác là ai, lộ trình bán hàng ra sao, cần bao nhiêu người thực hiện,… Vì Nanosalt chưa chứng minh được điều đó nên ông cũng quyết định không đồng hành cùng thương vụ này.
Nguồn: [Link nguồn]
Chỉ ra ngay việc làm sai luật của startup, shark Hùng Anh khiến startup chỉ biết “cười trừ“.