Sẽ thí điểm chữ ký số từ xa trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia
Chữ ký số từ xa sẽ được thí điểm trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia với một số dịch vụ có nhiều người dùng, sau đó sẽ mở rộng hơn.
Trang chủ của Cổng Dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/.
Sau 2 năm triển khai, Cổng Dịch vụ công Quốc gia (https://dichvucong.gov.vn/) đã tích hợp 3.100 trên tổng số 6.500 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Trên đây, có hơn 1 triệu tài khoản cá nhân, khoảng 70.000 tài khoản doanh nghiệp và 1.000 tài khoản cơ quan nhà nước đã được cấp. Cùng với đó, đã có 74,5 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái xử lý, và đã có 141.000 giao dịch thanh toán.
Những con số kể trên là thành quả bước đầu của quá trình số hóa quốc gia. Tuy nhiên, so với yêu cầu của chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia định hướng đến 2025, thì kết quả này vẫn còn khá khiêm tốn. Do đó, trong thời gian tới, Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ bổ sung những giải pháp mang lại sự thuận tiện cho cả cơ quan, tổ chức và người dân.
Một trong những giải pháp mới là Văn phòng Chính phủ sẽ làm việc với VNPT để thí điểm chữ ký số từ xa (remote signing), cụ thể là giải pháp SmartCA. Ban đầu, sẽ thí điểm cho một số dịch vụ có nhiều người dùng, sau đó mới mở rộng hơn. Thông tin này vừa được ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (trực thuộc Văn phòng Chính phủ) cho biết tại hội thảo trực tuyến "Chữ ký số - Công dân số - Chìa khóa thành công" diễn ra ngày 6/10.
Hai phương thức xác minh mức độ cao đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Ngoài ra, theo ông Ngô Hải Phan, muốn có dịch vụ công tốt thì việc cải cách, đơn giản hóa quy trình thủ tục, thay đổi cách tiếp cận lề lối làm việc để có dịch vụ thuận lợi nhất, đơn giản nhất, cũng vô cùng quan trọng. "Quan trọng là cải cách phải dẫn dắt, công nghệ là công cụ phục vụ", ông nhấn mạnh.
Do đó, ông đề nghị cần có một hành lang pháp lý vững chắc cho xác thực điện tử, do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Bộ Công an phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, xây dựng. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng cho sự phát triển trong thời gian tới.
Bên cạnh vấn đề pháp lý như chia sẻ của đại diện Văn phòng Chính phủ, ông Ngô Diên Hy - Phó Tổng Giám đốc tập đoàn VNPT bổ sung thêm: Chữ ký số và ký số từ xa chỉ là một phần trong quá trình số hóa. Thêm vào đó, phải có các giải pháp đồng bộ khác như hóa đơn/biên lai điện tử, hợp đồng điện tử,… để tạo thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.
"Để chữ ký số trở nên phổ cập hơn với người dân, phải có giải pháp sử dụng thuận tiện trên các nền tảng khác nhau, từ PC, laptop, smartphone, tới tablet. Chữ ký số đó phải đảm bảo tính bảo mật và cung cấp với một giá thành hợp lý", ông Hy bổ sung.
Nói thêm về công nghệ chữ ký số, công nghệ này dùng thuật toán mã hóa bất đối xứng. Theo đó, mỗi chủ thể có cặp khóa bí mật và công khai: Khóa bí mật được dùng ký lên dữ liệu, khóa công khai là để kiểm tra chữ ký đã ký. Chính vì vậy, chữ ký số đảm bảo ba đặc tính cơ bản nhất: Chống chối bỏ, tính xác thực và toàn vẹn.
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (thuộc Bộ TT&TT), chữ ký số có thể được lưu trữ bằng USB Token, dùng SIM điện thoại (SIM PKI), hay sắp tới đây là SmartCA (đang chờ Bộ TT&TT cấp phép) - một phương pháp ký số từ xa đa nền tảng. Tại Việt Nam, đang có 17 CA (Certificate Authority - tổ chức cấp phát chứng chỉ) được cấp phép cung cấp dịch vụ USB Token.
USB Token bị đánh giá là còn nhiều bất cập khi phải mang theo chiếc USB bên mình. SIM PKI thì thuận tiện hơn khi xác thực qua SIM số của nhà mạng, tuy nhiên chưa đảm bảo khả năng mở rộng đa nền tảng. Riêng SmartCA sẽ giải quyết những bất cập nói trên, đồng thời có thể ký số theo lô với tốc độ nhanh và số lượng lớn, phù hợp cho logistic, thương mại điện tử,... vốn phải ký với nhiều khách hàng một hợp đồng có nội dung giống nhau.
Thêm một khác biệt là, chữ ký số dùng USB Token hay SIM di động thì chữ ký số nằm trong sự kiểm soát của người ký. Trong khi đó, với chữ ký số từ xa như SmartCA, người dùng không cầm khóa mà sự kiểm soát thuộc về máy chủ CA.
"Để được cấp phép, một CA phải trải qua quá trình thẩm định rất kỹ càng, không chỉ là phần mềm mà còn phần cứng", Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia nói và khẳng định: CA lưu khóa của khách hàng nhưng bản thân CA không thể tác động, đảm bảo chỉ một mình khách hàng mới có thể kích hoạt khóa đang nhờ CA giữ giúp
"Chữ ký số ký theo mô hình ký số từ xa do các CA đã được cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép có giá trị pháp lý như USB Token", ông Nghĩa khẳng định thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
Cổng Dịch vụ công Quốc gia do Văn phòng Chính phủ chủ quản, hoạt động với quan điểm công khai, minh bạch, lấy người...