Sao Hỏa xuất hiện 2 tỉ "hố tử thần" vì kẻ tấn công bí ẩn

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Một nghiên cứu mới về về bề mặt Sao Hỏa đã cho thấy một kẻ tấn công ngoài hành tinh có thể gây ra tác động khủng khiếp.

Theo Universe Today, nhóm nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng của Đại học John Hopkins (JHU APL - Mỹ) đã tìm hiểu sâu về miệng hố va chạm mang tên Corinto ở khu vực Elysium Planitia nằm gần xích đạo Sao Hỏa.

Hố va chạm Corinto ở Sao Hỏa - Ảnh: NASA

Hố va chạm Corinto ở Sao Hỏa - Ảnh: NASA

Đó là một miệng hố tương đối trẻ - 2,34 triệu năm tuổi - theo tiêu chuẩn của hành tinh đỏ, một thế giới đầy rẫy các hố va chạm lớn nhỏ.

Kích thước của nó cũng nằm ở khoảng tương đối: Đường kính 14 km và sâu 1 km.

Lý do khiến Corinto trở nên thú vị là vì các hình ảnh tinh vi từ tàu vũ trụ NASA cho thấy nó có một hệ thống "tia" mở rộng từ vành hố, cho thấy có những thứ từng bị bắn ra khỏi miệng hố này.

Ngoài ra, bên trong miệng hố đầy những vết rỗ. Đó là bằng chứng nó phải chứa đầy nước đá trước khi bị một kẻ tấn công - có thể là tiểu hành tinh - lao thẳng vào.

Các tính toán cho thấy góc va chạm là khoảng 30-45 độ và mạnh đến nỗi giải phóng vô số mảnh vụn.

Ngạc nhiên hơn, các phân tích mô hình cũng như dấu vết trực tiếp mà các tàu vũ trụ thu thập được từ bề mặt Sao Hỏa cho thấy cú va chạm rất mạnh này đã tạo ra tới 2 tỉ miệng hố va chạm thứ cấp.

Sao Hỏa liên tục bị cày nát bởi các hố va chạm thiên thạch và cả các hố thứ cấp - Ảnh đồ họa

Sao Hỏa liên tục bị cày nát bởi các hố va chạm thiên thạch và cả các hố thứ cấp - Ảnh đồ họa

Miệng hố va chạm thứ cấp là những cái được tạo thành khi mảnh vỡ nóng bỏng bắn ra từ vụ va chạm ban đầu rơi xuống các khu vực lân cận - cũng với một lực rất mạnh - và tạo ra các hố va chạm nhỏ hơn.

Số miệng hố thứ cấp khổng lồ và bao gồm nhiều hố to này là do kích cỡ những "mảnh vỡ" bắn ra từ Corinto có thể lên tới 10 m. Một số miệng hố thứ cấp nằm cách miệng hố ban đầu tớii 1,8 km.

Bề mặt Sao Hỏa vốn không chịu tác động bởi các hiện tượng khí hậu liên tiếp, mạnh mẽ hay hệ động thực vật phong phú như Trái Đất, nên có thể giữ gần như nguyên vẹn dấu vết của các vụ va chạm qua hàng triệu, thậm chí hàng tỉ năm.

Nó vô tình cho chúng ta thấy một kẻ tấn công ngoài hành tinh có thể gây ra tác động mạnh mẽ như thế nào. Trái Đất có thể cũng có các hệ thống hố va chạm như thế, đang ẩn mình dưới các lớp trầm tích.

Nghiên cứu vừa được công bố tại Hội nghị khoa học Mặt trăng và hành tinh thường niên lần thứ 55 tại Texas - Mỹ.

Mặt trăng bị Trái đất che khuất vào rạng sáng ngày 25/3. Sau đó, nó sẽ che khuất hoàn toàn Mặt trời vào ngày 8/4. Bức ảnh mặt trăng được chụp khi vệ tinh của NASA ở Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) khi nó bay lên gần 435 km phía trên Nam Đại Tây Dương trong một quỹ đạo rất đặc biệt của mặt trăng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN