Robot nổi loạn: Loài người đã sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp 4.0?
Tất cả những cuộc cách mạng đều tạo nên những thay đổi lớn lao, nhưng đằng sau đó là những cái giá không hề nhỏ. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, người ta đang chờ đợi những người máy sẽ làm thay công việc của con người, nhưng liệu cả người và máy đã sẵn sàng?
Một cảnh trong phim Chappie, chú robot có trí thông minh và tư duy của con người
Tai nạn hi hữu do robot tự động
Ngày 7/7/2015, một robot tự động trong nhà máy sản xuất ô tô tại Michigan, Mỹ đã mất kiểm soát, lao vào một nữ kỹ sư khiến bà này bị ghì vào băng chuyền dẫn tới tử vong. Đó là một trong những vụ tai nạn thương tâm liên quan tới robot tự động, mà con người gặp phải trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo các chuyên gia về robot, vụ việc không nghiêm trọng như những bộ phim viễn tưởng, con robot trên gặp lỗi dẫn tới mất kiểm soát gây ra tai nạn, chứ nó không sở hữu 1 trí thông minh nhân tạo với nhận thức muốn “tiêu diệt” con người như trong phim. Gia đình nạn nhân vẫn đang tiếp tục theo kiện những công ty cung cấp robot cho nhà máy trên, để đòi bồi thường vì con robot “giết người” này.
Trong vụ việc trên, một lỗi phần mềm hoặc một hỏng hóc trong phần cứng nào đó đã khiến nó mất kiểm soát, và vô tình gây ra tai nạn hi hữu. Robot hiện nay hoạt động hoàn toàn theo lập trình, tức là nó hoạt động dựa trên các lệnh mà con người cài đặt sẵn, sử dụng các cảm biến để tính toán thực hiện chính xác theo những gì nó được lập trình.
Tuy lỗi phầm mềm có tỷ lệ rất thấp, nhưng nó vẫn có xác suất gây nên những vụ tai nạn hi hữu gây thương vong cho con người như trên. Dẫu vậy, ứng dụng robot vào sản xuất đã hỗ trợ cho con người rất nhiều, cả về năng suất lẫn tính chính xác, vì vậy không có lý do gì để ngăn cản sự phát triển của robot trong công nghiệp cũng như trong đời sống hàng ngày cả.
Cách mạng công nghiệp 4.0
Loài người đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp, và đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4. Nhắc lại một chút, cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra vào đầu thế kỷ 19, với sự xuất hiện của máy hơi nước sử dụng nhiên liệu than và máy móc dẫn động bằng cơ khí, đã tạo nên năng suất lao động gia tăng đột biến, khi sức mạnh của máy móc vượt lên rất nhiều so với sức mạnh của con người.
Cách mạng công nghiệp lần thứ hai là sự xuất hiện của động cơ đốt trong và điện, bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, tiếp tục tạo nên sự thay đổi rất lớn trong việc tăng năng suất lao động và giảm phụ thuộc vào con người.
Cách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu từ năm 1969, với công nghệ điện tử, máy tính và internet. Đây là tiền để rất lớn cho tự động hóa, tạo nền móng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà tâm điểm chính là robot, những máy móc thông minh có khả năng làm việc thay thế cho con người.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra ở giai đoạn đầu tiên, là cuộc cách mạng được kỳ vọng làm thay đổi con người. Với robot sở hữu trí thông minh nhân tạo, con người kỳ vọng mọi công việc sẽ được làm thay bởi robot. Ngoài ra là công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ Internet kết nối vạn vật IoT, loài người mong muốn được sống trong một thế giới thông minh và hoàn hảo như trong những bộ phim viễn tưởng.
Viễn cảnh của Cách mạng Công nghiệp 4.0 có vẻ như khá rõ ràng, và sẽ không xảy ra những vụ đình công hay đập phá máy móc như Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất. Trong cuộc cách mạng công nghiệp này, robot sẽ trở thành một con người nhưng hoàn thiện hơn, tức là không bị chi phối bởi cảm xúc hay ốm đau, mà đơn giản là được nạp đầy năng lượng, hoạt động liên tục, bảo trì bảo dưỡng để giảm lỗi và thay thế những bộ phận hỏng hóc. Một trí thông minh nhân tạo sẽ được tạo ra để đảm bảo robot có thể học hỏi được và tự nâng cấp mình trong quá trình hoạt động.