Robot NASA đã đến “nơi trú ẩn cuối cùng” của sinh vật ngoài hành tinh?

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Những bức ảnh vượt không gian liên hành tinh về đến Trái Đất cho thấy một cánh đồng cát mênh mông khá giống với địa cầu, được NASA tiết lộ là từng sở hữu những dòng suối và ao hồ ngập nước.

Theo tờ Space, hình ảnh vừa công bố đi kèm với thông báo của NASA rằng chiến binh "bất tử" của họ - Curiosity - đã đến được khu vực được cho là hình thành từ hàng tỉ năm trước, giữ được nguyên sơ trạng thái ngay trước khi nước trên Sao Hỏa biến mất.

Đó là vùng núi Sharp, nơi mà các dữ liệu thám sát sơ bộ cho thấy rất giàu khoáng chất mặn mà các nhà khoa học cho rằng đã bị bỏ lại bởi những dòng suối và ao hồ cuối cùng từng tồn tại trên hành tinh đỏ.

Bức ảnh ghép từ nhiều ảnh chụp các hướng khác nhau thành ảnh panorama thể hiện toàn cảnh khu vực vùng núi Sharp trên Sao Hỏa - Ảnh: NASA

Bức ảnh ghép từ nhiều ảnh chụp các hướng khác nhau thành ảnh panorama thể hiện toàn cảnh khu vực vùng núi Sharp trên Sao Hỏa - Ảnh: NASA

Do đó, đây cũng là vùng đất có thể nắm giữ những manh mối đáng kinh ngạc về việc khí hậu Sao Hỏa đã thay đổi như thế nào từ trạng thái y hệt Trái Đất thành sa mạc cằn cỗi, giá lạnh ngày nay.

Các khoáng chất mặn dồi dào trong khu vực đã được phát hiện lần đầu bởi tàu quỹ đạo do thám sao hỏa (NRO) của NASA vào năm 2012 nhưng sau một hành trình dài và bất ngờ, chiến binh mặt đất Curiosity mới tìm tới được.

Đây cũng là một cuộc du hành ngoài dự kiến bởi Curiosity, một chiếc xe tự hành dạng robot, lẽ ra đã kết thúc nhiệm vụ vài năm trước. Tuy nhiên, chiến binh chạy bằng năng lượng Mặt Trời này... mãi không "chết" dù có thời gian ngưng hoạt động trong bão bụi toàn sao Hỏa. Thế là NASA quyết định vạch ra những lộ trình mới cho nó.

Theo NASA, dữ liệu trực tiếp mà Curiosity đưa về từ vùng núi Sharp cho thấy một loạt các loại đá thú vị và dấu hiệu rõ ràng của nước trong quá khứ, bao gồm các điểm gồ có kết cấu như bắp rang và các khoáng chất mặn như magie sulfat, canxi sufat và natri clorua (tức muối ăn).

Chiến binh săn sự sống ngoài hành tinh Curiosity - Ảnh: NASA

Chiến binh săn sự sống ngoài hành tinh Curiosity - Ảnh: NASA

Curiosity đã lựa chọn một tảng đá có biệt danh "Canaima" để khoan và thu thập mẫu vật Sao Hỏa thứ 36 của mình.

Giám đốc dự án Curiostiy Kathya Zamora-Garcia cho biết nhiệm vụ đã thành công và tảng đá không làm hư hại mũi khoan của Curiosity như lo ngại trước đó. Họ đang tiến hành phân tích mẫu vật nhờ vào việc điều khiển từ xa một "phòng thí nghiệm" mini được trang bị trên robot thám hiểm này.

Curiosity đã dành cả tháng 8 để đi qua một đoạn đường hẹp hiểm trở gọi là Đèo Paraitepuy để đến được khu vực này, vượt qua mối lo bị "sa lầy" trong cát quá dày và địa hình nhiều đoạn dốc cũng như những ngọn đồi có thể cản trở việc nó bắt sóng với Trái Đất và tàu NRO.

Những nơi mà con robot đầu tiên NASA đưa lên Sao Hỏa này lăn bánh đến đều tiềm ẩn dấu hiệu của sông ngòi, ao hồ cổ đại, bởi nhiệm vụ chính của nó là săn tìm bằng chứng về sự sống ngoài hành tinh mà NASA gần như đoan chắc đã từng tồn tại rồi tuyệt chủng.

Vùng núi Sharp đã được chú ý từ lâu vì với bằng chứng về những sông, suối cuối cùng, nó có thể là miền đất trú ẩn cuối cùng của sinh vật Sao Hỏa trước khi hành tinh này bị sa mạc hóa, lạnh đi và khiến mọi sự sống bị tuyệt diệt.

Phát hiện ”hành tinh kẹo dẻo” khổng lồ, màu hồng cam ngọt ngào

Cách Trái Đất 580 năm ánh sáng, một hành tinh lớn hơn cả Sao Mộc, mềm mại như những viên kẹo dẻo marshmallow đang tắm trong ánh sáng đỏ hồng từ một ngôi sao lùn đỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN