Robot có thể làm phóng viên
Trong tương lai, các robot sẽ có khả năng viết được những bản tin tức thật sự, có chính kiến riêng biệt và đi kèm các thông tin phân tích, bình luận như các nhà báo thực thụ.
Robot có thể trở thành nhà báo trong tương lai? Thật khó hình dung rằng một cỗ máy bằng titan hay sắt thép có thể chạy đi phỏng vấn những người nổi tiếng hay đưa tin về các sự kiện thời sự.
Thế giới đã có những con khỉ biết đánh máy; và trong tương lai, rất có thể chúng ta sẽ có những "nhà báo robot". (Ảnh: Getty Images)
Tuy nhiên, một số tổ chức truyền thông báo chí vẫn đang tìm kiếm các đối tác để phát triển một "siêu phẩm thông minh" có thể tham gia vào ngành công nghiệp tin tức ngày nay.
"Dù có một chút hơi "lạc quan tếu", nhưng chúng tôi muốn thử và thách thức các nhà phát triển của Guadian tạo ra một loại robot báo chí đặc biệt: GUARBOT", thông tin từ trang The Guardian cho biết.
Tuy nhiên, dự án của họ không hề mơ hồ mà hoàn toàn dựa trên các logic nhất định. Theo các nhà phát triển, các công việc như quét tin và copy các mục tin tức cơ bản hàng ngày luôn bị xem là nhàm chán và lãng phí thời gian, nhân lực.
Trong khi đó, máy tính hoàn toàn có thể đảm nhận phần công việc này để các nhà báo thực thụ nên tập trung vào việc viết bài phân tích hay điều tra.
Trên thực tế, trang Forbes.com đã sử dụng một "nền tảng trí tuệ nhân tạo" được cung cấp bởi Narrative Science để tạo ra các tin tức tự động từ các dữ liệu trực tuyến và dựa trên tham khảo, kế thừa từ các bài viết đã xuất bản trước.
Không chỉ Forbes, thời báo Los Angeles (LA Times) cũng đã dùng robot để làm các bài báo về các trận động đất. Robot này được lập trình theo một thuật toán cho phép tìm kiếm và lấy về các dữ liệu về cường độ, thời gian và địa điểm của các vụ dư chấn từ các trang web khảo sát địa chất của Mỹ.
Câu hỏi đặt ra là ngoài những việc "thấp cấp" như trên, liệu robot có thể viết một bản tin tức thật sự với chính kiến riêng biệt hay đi kèm các thông tin phân tích, bình luận?
Trong một nghiên cứu hồi đầu năm nay, nhà khoa học Thụy Điển Christer Clerwall đã phát hiện ra rằng, người đọc không thấy nhiều sự khác biệt giữa những bản tin được viết bằng robot và các bản tin được viết bởi các nhà báo.
Tờ Guardian đã thử nghiệm các chương trình viết tự động của họ bằng cách giao cho hệ thống một từ khóa "quinoa" (hạt diêm mạch - một loại hạt siêu thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao) và dưới đây là kết quả mà robot trả về:
"Một diện tích lớn cây Quinoa của Mỹ đã bị cơn bão trong tháng này tàn phá. Theo Peru, New York đã xác nhận rằng Quinor là câu chuyện đáng nói hơn bất cứ thứ gì khác mà họ từng biết. Dẫn lời từ những người ăn Yotam Ottolenghi gợi ý rằng, sản lượng mùa vụ năm nay đã rõ ràng, có thể nhiều hơn tiêu đen. Chuyên gia cho biết cả Salt và Trường đại học cần tăng cường các giải pháp chung”.
Với kết quả này, rất có thể chúng ta sẽ sớm được thấy các "nhà báo" họ "robot" như Polly Toynbot hay Goeorge Monbot, tờ The Guardian bình luận vui.