Quét radar khu rừng, choáng vì 1.000 “bóng ma” hiện về từ mọi thời đại
Trong những bức ảnh radar, gần 1.000 cấu trúc cổ đại mà mắt thường khó lòng nhận biết, có từ 1.800 năm trước cho đến Thế chiến II, đã hiện ra như những "bóng ma" dày đặc khắp rừng Białowieża ở biên giới Belarus - Ba Lan.
Nhóm nghiên cứu từ Viện Khảo cổ học thuộc Trường Đại học Cardinal Stefan Wyszyński (IA UKSW) ở Warsaw đã phát hiện một "thế giới đã mất" trong rừng Białowieża nhờ kỹ thuật viễn thám LiDAR, "thám tử" chuyên truy tìm các di tích cổ.
Theo Heritage Daily, LiDAR là một phương pháp quét radar khu vực bằng cách sử dụng ánh sáng ở dạng tia laser, đo đạc khoảng thời gian mỗi tia nhỏ chạm tới mặt đất rồi quay lại thiết bị để tạo ra một bản đồ 3D về địa hình khu vực.
HÌnh ảnh của LiDar cho thấy những cấu trúc bí ẩn gồ lên trên nền bằng phẳng của đất rừng - Ảnh: M. Szubski & M. Jakubczak
LiDAR cũng xuyên qua các đối tượng che khuất cấu trúc địa lý như những tán rừng già, nên thường được sử dụng để thăm dò những thành phố cổ, di tích cổ.
Nhóm nghiên cứu đã xác định một loạt địa điểm từ thời tiền sử đến Thế chiến 2 bao gồm 577 bãi chôn lấp cổ, 246 khu lò than, 54 nhà máy nhựa đường, 19 khu phức hợp đất nông nghiệp cổ đại, 51 nhà ở dạng bán hầm và 17 nghĩa trang chiến tranh.
Hầu hết các cấu trúc có từ thời kỳ khu vực bị ảnh hưởng bởi nền văn minh Đế chế La Mã (thế kỷ thứ 2 đến thứ 5 sau Công Nguyên).
Các cấu trúc thời Trung Cổ cũng gây chú ý vì chứa đựng hài cốt con người hoặc tro cốt hỏa táng, trong khi những cấu trúc cũ hơn thì gần như vắng bóng hài cốt.
Tiến sĩ Joanna Wawrzeniek từ IA UKSW nói với PAP rằng những người ở thời tiền sử và thời Trung Cổ sinh sống trong khu vực chủ yếu trên các khu rừng thấp, gần sông hoặc suối, nên để lại di tích của những khu định cư lâu dài hoặc tạm thời giữa rừng Białowieża.
Nhóm nghiên cứu cũng xác định được hai cấu trúc kiên cố. Cấu trúc thứ nhất nằm trong khuôn viên được bảo vệ nghiêm ngặt thuộc khu bảo tồn của Công viên Quốc gia Białowieża và cấu trúc còn lại ở Quận Rừng Wilczy Jar.
Cấu trúc đầu tiên có đường kính 36 m và một bờ kè nhỏ rộng 3 m, chứa nhiều đồ gốm Trung Cổ và cả những hòn đá lửa cửa người cổ đại. Cấu trúc thứ hai có đường kính khoảng 17 m, có nhiều dấu tích của vật liệu hữu cơ từ thế kỷ 4 đến 3 trước Công nguyên và thế kỷ 7 - 10 sau Công nguyên.
Các nhà nghiên cứu sẽ lập kế hoạch để tìm hiểu sâu hơn về từng "bóng ma" trong rừng Białowieża, nhưng chắc chắn đó sẽ là một hành trình lâu dài.
Kỹ thuật LiDAR đã buộc các "căn cứ ma" 2.100 tuổi phải hiện hình, cho dù hầu hết chúng đã bị san phẳng hoặc bồi lấp.
Nguồn: [Link nguồn]