Quân đội Mỹ dùng ChatGPT viết thông cáo
Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng ChatGPT để soạn thảo thông cáo báo chí công bố lực lượng đặc nhiệm mới chuyên chống máy bay không người lái.
Nội dung thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố việc ra đời Lực lượng Đặc nhiệm 39. Chuyên trang Voicebot.AI đưa tin hôm 9-2, lực lượng đặc nhiệm mới này có nhiệm vụ thúc đẩy văn hóa đổi mới, cũng như theo đuổi các mối quan hệ đối tác trong ngành nhằm tạo hiệu quả chiến đấu trong tương lai. Họ đang tập trung vào việc chống lại mối đe dọa của những hệ thống máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ và phát triển các giải pháp sáng tạo cho các thách thức an ninh khác.
"Thông cáo trên đây được tạo ra hoàn toàn bởi ChatGPT của OpenAI. Việc dùng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo nội dung nhấn mạnh cam kết của quân đội Mỹ trong việc áp dụng công nghệ mới và đổi mới trong một môi trường hoạt động đầy thách thức và luôn thay đổi" - Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay.
Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng ChatGPT để soạn thảo thông cáo báo chí. Ảnh minh họa: Voicebot.AI
ChatGPT đã và đang tạo nên cơn sốt trên toàn cầu sau khi ra mắt ngày 30-11-2022. Nó là một chương trình kết hợp với AI để tương tác với con người. Chương trình sử dụng thuật toán chọn từ dựa trên bài học rút ra từ việc quét hàng tỉ đoạn văn bản trên internet. Từ đó, cho phép máy tính trò chuyện và đáp ứng những câu hỏi từ phía người dùng trong thời gian thực.
Do đó, người ta có thể yêu cầu ChatGPT thực hiện loạt nhiệm vụ, chẳng hạn như thu thập thông tin, sửa mã máy tính bị hỏng, tạo lời rap theo phong cách Snoop Dogg, soạn kịch bản cho các cảnh giả định, viết các bài luận …
Không chỉ phổ biến trong văn phòng, trường học, ChatGPT bắt đầu len lỏi vào các cơ quan chính phủ. Trước đó, một thẩm phán ở Colombia đã tham khảo ý kiến ChatGPT để ra quyết định trong xét xử, Tổng thống Israel Isaac Herzog cũng tuyên bố trở thành lãnh đạo đầu tiên trên thế giới dùng ChatGPT hỗ trợ viết bài phát biểu của mình.
Dù được đón nhận khắp nơi nhưng ChatGPT cũng gây nhiều tranh cãi do mô hình này không thật sự hiểu về nội dung. Nó chỉ đơn giản tổng hợp câu trả lời dựa trên xác xuất từ hàng triệu ví dụ được dùng để huấn luyện có trên internet.
Từ khóa khiến ChatGPT trở nên… rối loạn
Nhiều người cho rằng ChatGPT thông minh tới mức có thể biết "tất tần tật" nhưng thật bất ngờ nó phải "bó tay" với từ khoá "TheNitromeFan".
"TheNitromeFan" là một trong hơn 100 chuỗi ký tự khiến ChatGPT không thể trả lời được, thậm chí gặp từ khoá này còn khiến nó trở nên rối loạn.
Thông tin trên được tiết lộ bởi 2 nhà nghiên cứu Jessica Rumbelow và Matthew Watkins trong quá trình nghiên cứu bộ mã của mô hình AI GPT.
Hai nhà nghiên cứu cho biết họ phát hiện một danh sách các ký tự mà khi gom lại với nhau thành các từ khoá như "SolidGoldMagikarp", "StreamerBot" và "TheNitromeFan". Muốn thử xem chúng có ý nghĩa gì, họ nhập vào ChatGPT và những mô hình GPT cũ hơn của OpenAI. Câu trả lời khiến nhóm nghiên cứu ngạc nhiên bởi có cảm giác ChatGPT đang lảng tránh, hài hước một cách kỳ quái, thậm chí xúc phạm lại người hỏi.
Đặc biệt, khi nhà nghiên cứu hỏi ChatGPT bằng từ khoá "TheNitromeFan" nó luôn hiểu thành số 182, còn từ khoá "SolidGoldMagikarp" được hiểu thành một từ không liên quan là "distribute".
Trái lại với những từ khóa trên, tất cả các từ khác khi hỏi ChatGPT đều được cho câu trả lời khiến người "đang giao tiếp với nó" rất hài lòng.
Tác giả Rumbelow và Watkins gọi đây là từ khóa "không thể nói được" của ChatGPT. Theo họ, việc này cho thấy các mô hình AI tồn tại những hạn chế có thể khiến nó mắc lỗi ngay cả với những yêu cầu đơn giản.
Nguồn: [Link nguồn]
Alibaba là cái tên tiếp theo nối gót Microsoft và Google bước vào cuộc chiến của thị trường trí tuệ nhân tạo sau cơn sốt ChatGPT.