POPS tố Truyền hình FPT vi phạm bản quyền, FPT đáp trả “vô căn cứ, ngưng làm giá”
Trong khi POPS tố Truyền hình FPT đã vi phạm bản quyền nhiều nội dung của họ, thì FPT khẳng định "không vi phạm".
Truyền hình FPT đang có hơn 1 triệu người dùng tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: Internet)
Vừa qua, công ty giải trí đa phương tiện POPS đã phát đi thông tin về việc họ tố Truyền hình FPT (FPT Play) vi phạm bản quyền một số chương trình, yêu cầu Truyền hình FPT phải bồi thường. Theo đại diện POPS, khoản chi phí POPS yêu cầu Truyền hình FPT bồi thường như trên là dựa trên các thiệt hại mà POPS và các đối tác bị ảnh hưởng trong quá trình Truyền hình FPT khai thác trái phép các nội dung.
Cụ thể, theo cáo buộc của POPS, tính đến thời điểm hiện tại, FPT đã xâm phạm đặc biệt nghiêm trọng, thực hiện một cách cố ý nhằm khai thác và thu lợi trái phép 303 nội dung thuộc sở hữu của POPS và hơn 1.500 của đối tác mà POPS được li-xăng trên Truyền hình FPT.
"Vì đây không phải là lần đầu tiên FPT Play và FPT Telecom sử dụng trái phép các sản phẩm của POPS, nên hành vi xâm phạm này hoàn toàn được FPT thực hiện một cách cố ý. Đặc biệt, hành vi cố ý xâm phạm của FPT còn thể hiện rõ ở việc FPT cố ý xóa nhãn hiệu, tên thương mại POPS khỏi các Logo được gắn trên các nội dung này như “POPS Kids”, “POPS Baby”, “POPS UP” và thay vào đó là nhãn hiệu FPT", đại diện POPS cho biết.
Một nội dung mà POPS tố Truyền hình FPT vi phạm bản quyền.
Liên quan vụ việc này, đại diện truyền thông của FPT Telecom (đơn vị phát triển Truyền hình FPT) đã ngay lập tức có thông tin đáp trả, khẳng định: "Truyền hình FPT khẳng định không xâm phạm bản quyền như POPS cáo buộc trong cuộc họp ngày 9/5. Các bằng chứng POPS đưa ra là vô căn cứ. Biên bản làm việc ghi nhận là một chiều. Thời điểm POPS đề cập, trên hệ thống Truyền hình FPT không có sản phẩm nào của POPS".
Về cáo buộc Truyền hình FPT chèn logo lên khung hình, đại diện truyền thông của FPT Telecom cho biết, đó là vị trí logo mặc định được áp dụng với toàn bộ các chương trình, nội dung… đăng tải trên hệ thống Truyền hình FPT, kể cả các chương trình của VTV. Do đó, đơn vị này khẳng định: "POPS cáo buộc FPT chèn hình logo vào chương trình là không đúng".
"Truyền hình FPT luôn thiện chí gặp gỡ để trao đổi hợp tác nhưng đến lần thứ 3 vẫn bất thành. POPS thể hiện thái độ không thiện chí, cố tình sử dụng truyền thông như một công cụ gây sức ép, yêu cầu Truyền hình FPT trả số tiền 15 triệu USD hoàn toàn không có căn cứ", đại diện FPT Telecom nói và đề nghị POPS "hãy thôi làm giá".
Một nội dung mà Truyền hình FPT tố POPs đang vi phạm bản quyền.
Quan trọng hơn, trong quá trình rà soát nội dung của Truyền hình FPT, đơn vị này đã phát hiện việc POPS có hành động xâm phạm bản quyền Truyền hình FPT trong 2 năm qua. Hiện, FPT Telecom đã uỷ quyền luật sư gửi "tối hậu thư" cho POPS để yêu cầu làm rõ nội dung này.
Theo luật sư đang hỗ trợ pháp lý cho FPT Telecom, nguyên tắc của luật pháp cho phép các bên có thể tự do sử dụng các tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố mà không cần phải xin phép chủ thể quyền, ngoại trừ việc phải trả thù lao trên cơ sở các bên tự đàm phám, thương lượng. Cụ thể, Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 quy định các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao như sau: 1. Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ. 2. Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thoả thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật. 3. Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng. |
Phim truyền hình lậu bị cài mã độc nhiều nhất trong cả hai năm 2017 và 2018 là Game of Thrones.