Phát hiện "suối nguồn sự sống" trên "dị nhân" của vũ trụ
Hành tinh TOI-674b tồn tại như kẻ dị biệt giữa vũ trụ, gần như làm đảo lộn hết mọi lý thuyết thiên văn và lại có dấu hiệu của hơi nước trong bầu khí quyển.
Theo Science Alert, TOI-674b được giới thiên văn coi như "sinh vật quý hiếm". Nó là một "bản sao" của Sao Hải Vương, quay quanh một ngôi sao lùn đỏ loại M cách chúng ta 150 năm ánh sáng.
Vô lý ở chỗ, nó nằm ở khu vực gọi là "sa mạc Sao Hải Vương" của ngôi sao mẹ, là khu vực gần sao mẹ mà dạng hành tinh khí này không thể ra đời, thường chỉ có các hành tinh siêu nóng khối lượng trung bình.
Mô tả của nghệ sĩ về TOI-674b, hành tinh dị biệt của vũ trụ - Ảnh: NASA
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Jonathan Brande từ Đại học Cornell đã xác định được hành tinh bí ẩn nhờ dữ liệu từ "thợ săn ngoại hành tinh" TESS của NASA, cộng với sự xác nhận lần nữa từ Kính viễn vọng không gian Hubble và Spitzer.
TOI-674b có quỹ đạo chỉ 47,5 giờ nên chắc chắn phải rất nóng bỏng vì nằm gần sao mẹ, nhưng nó lại trêu ngươi nhóm nghiên cứu lần nữa khi có bằng chứng rõ ràng về hơi nước trong bầu khí quyển.
Hiện các nhà thiên văn vẫn chưa lý giải được vì sao nó lại xuất hiện ở nơi không thể tồn tại và làm cách nào giữ được hơi nước trong bầu khí quyển, nhưng việc phát hiện ra nó sẽ điền thêm vào bức tranh phong phú về cách các hành tinh tồn tại trong vũ trụ.
Các nhà khoa học sẽ tiếp tục khám phá về hành tinh kỳ quái sau nghiên cứu sơ bộ này, nhắm vào bầu khí quyển của nó bởi các thành phần khí quyển có thể cho thấy cách một hành tinh hình thành.
Nghiên cứu vừa công bố trực tuyến trên arXiv và chờ đăng tải trên The Astrophysical Journal.
Nguồn: [Link nguồn]
Trái Đất, và cả hệ Mặt Trời, đang lơ lửng giữa vùng không gian trốn rỗng một cách kỳ lạ, theo nghiên cứu dẫn đầu...