Phát hiện ngôi sao… bẹp dí, siêu đáng sợ là con lỗ đen quái vật
Một dạng sao hoàn toàn tương phản với Mặt Trời yên bình của chúng ta đang quay với tốc độ kinh khủng lướt quanh lỗ đen quái vật Sagittarius A* đang ngủ yên ở trung tâm Milky Way.
Thiên hà chứa Trái Đất - Milky Way - có vùng trung tâm hoang dã với những ngôi sao siêu tốc và kỳ quái, một nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Florian Peissker thuộc Đại học Cologne (Đức) đã chứng minh, nhờ vào phân tích dữ liệu từ NASA, ESA và nhiều đài thiên văn mặt đất.
Đại diện của chúng là ngôi sao khổng lồ S4714, có thể là vật thể có tốc độ nhanh nhất Milky Way, đang quay quanh lỗ đen quái vật ở trung tâm thiên hà với tốc độ bằng 8% tốc độ ánh sáng, tức khoảng 24.000 km mỗi giây!
Thế giới đẹp và nguy hiểm quanh lỗ đen quái vật Sagittarius A* - ảnh: NASA
Ngôi sao không tròn đẹp như mặt trời của chúng ta mà được ví như một trái chanh bị đưa vào dụng cụ ép, bẹp lại do tác động cực mạnh của lực hấp dẫn từ lỗ đen, bởi khoảng cách quá gần của nó. Ước tính đây là một trong vật thể gần lỗ đen nhất từng được xác định, với khoảng cách chỉ 18 tỉ km. Độ gần này và lực hấp dẫn cực mạnh cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tốc ngôi sao đến mức khó tin.
Giống như cách Trái Đất quay quanh mặt trời, ngôi sao này cũng quay quanh lỗ đen mỗi 12 năm.
Nhóm tác giả còn phát hiện một nhóm các ngôi sao gần lỗ đen khác, nhưng tốc độ thua S4714: S62, S4711, S4712, S4713 và S4715. Trong đó ngôi sao S62 gần lỗ đen nhất, chỉ 2,4 tỉ km nhưng quay chậm hơn và mất 9,9 năm để hoàn thành mỗi vòng quay.
Theo tiến sĩ Peissker, những ngôi sao cực đoan này là những ứng cử viên thực sự đầu tiên cho những ngôi sao giả thuyết bị lỗ đen ép dẹp và sinh sống ở nơi tưởng chừng vô cùng chết chóc quanh "quái vật". Giả thuyết này đã tồn tại từ năm 2003, nhưng các nhà thiên văn đã mất rất nhiều thời gian để xác định vật thể thực sự. Có thể tuổi đời các ngôi sao này không dài, và cuối cùng chúng sẽ thành thức ăn của "quái vật".
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal.
Mới đây, một số nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy thế giới quanh lỗ đen quái vật ở trung tâm thiên hà còn có hàng chục ngàn hành tinh, tạo thành một hệ mặt trời khổng lồ trong đó lỗ đen đóng vai trò sao mẹ. Có vẻ, thế giới quanh lỗ đen không chết chóc và hoang vắng như chúng ta tưởng tượng.
Nguồn: [Link nguồn]
Psyche, tiểu hành tinh nổi tiếng vì là khối vàng trị giá triệu tỉ USD, thực ra là một hành tinh "chết non", cổ xưa...