Phát hiện dấu vết "tử thần" ngoài hành tinh dưới Thái Bình Dương
Một đồng vị phóng xạ không thuộc về Trái Đất được tìm thấy trong lớp vỏ biển sâu thuộc Thái Bình Dương, là bằng chứng của một trận "đại hồng thủy" ngoài hành tinh.
Theo Science Alert, đó là đồng vị plutonium-224, một nguyên tố có chu kỳ bán rã chỉ hơn 80 triệu năm, nên không thể có trên Trái Đất từ thuở "khai thiên lập địa" hơn 4,5 tỉ năm trước. Sự xuất hiện đồng vị hiếm của nguyên tố mang cái tên gợi nhớ đến Thần Chết (Pluto) này luôn song hành với iron-60, một đồng vị sắt từng được chứng minh là "kẻ xâm nhập" ngoài hành tinh.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà vật lý Anton Wallner từ Đại học Quốc gia Úc đã tìm thấy đồng vị hiếm này trong các mẫu lớp vỏ biển sâu gần 1.500 mét bên dưới Thái Bình Dương.
Một vụ nổ hay va chạm sao neutron có thể tạo ra "đại hồng thủy" ngoài hành tinh - Ảnh đồ họa: Dana Berry, SkyWorks Digital
Theo tiến sĩ Wallner, plutonium-224 này có thể được tạo ra từ các vụ nổ siêu tân tinh, hoặc đặc biệt hơn là từ sự kiện được cho là dữ dội nhất vũ trụ - vụ nổ sao neutron.
Sao neutron là một trong những dạng vật chất giàu năng lượng nhất, nên các vụ nổ của nó tác động đến một vùng không gian rộng lớn. Giới vật lý thiên văn còn nghi ngờ rằng một số chớp sóng vô tuyến bí ẩn được gửi đến Trái Đất thời gian qua là từ những vụ nổ sao neutron trong thiên hà khác. Vì thế, vụ nổ này được coi là một cơn "đại hồng thủy" vũ trụ.
Bí ẩn về đồng vị "tử thần" ngoài hành tinh này vẫn chưa được giải mã hoàn toàn, nhưng iron-60 song hành với nó thì tương thích với 2-4 vụ nổ khủng khiếp xảy ra cách Trái Đất chỉ 160-330 năm ánh sáng). Với niên đại của đồng vị "tử thần", rõ ràng Trái Đất phải hứng chịu đại hồng thủy ngoài hành tinh trong thời gian gần hơn chúng ta tưởng - dưới 80 triệu năm.
Theo Daily Mail, có một giả thuyết khác là plutonium-224 lang thang trong môi trường giữa các vì sao và bị một vụ nổ siêu tân tinh bắn vào Hệ Mặt Trời.
Bài công bố trên Science khẳng định việc xem xét các đồng vị phóng xạ liên quan đến những sự kiện cuồng nộ ngoài hành tinh có thể giúp xây dựng một hệ dấu hiệu, để chúng ta nhận biết nhiều hơn về các vụ va chạm, bùng nổ trong không gian lân cận và tác động của nó đối với sự sống Trái Đất. Một số nghiên cứu trước đây đã liên kết vụ những nổ siêu tân tinh với các sự kiện tuyệt chủng hàng loạt.
Chỉ trong vòng 100 năm, độ dày của tầng bình lưu – lớp khí quyển thứ 2 từ dưới lên – có thể bị mỏng đi tới 1,4...
Nguồn: [Link nguồn]