Phải an toàn khi đồng bộ dữ liệu cá nhân

Sự kiện: Chuyển đổi số

Cần có các quy định pháp lý rõ ràng về việc lưu giữ, bảo mật và truy xuất dữ liệu cá nhân của công dân

Việc liên thông cơ sở dữ liệu (CSDL) giữa các bộ, ngành đang được triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, nó cũng gia tăng nguy cơ lộ thông tin nhân thân công dân. Vì vậy, cần quy định rõ về quyền và mức độ được truy xuất dữ liệu cá nhân (DLCN) của từng loại cơ quan, tổ chức dịch vụ; pháp luật hóa trách nhiệm bảo mật DLCN của các cơ quan, tổ chức đó.

Không phải làm thủ tục hải quan thủ công

Hiện việc xin cấp - đổi hộ chiếu, công dân có thể thực hiện online. Sau khi đã đăng ký thành công tài khoản và đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia, người dân chọn loại dịch vụ công trực tuyến 1.001471 - Cấp hộ chiếu phổ thông trong nước.

Thực hiện cấp thẻ CCCD tại nhà .Ảnh: HỮU HƯNG

Thực hiện cấp thẻ CCCD tại nhà .Ảnh: HỮU HƯNG

Hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử cũng đã được cấp cho công dân có yêu cầu từ ngày 1-3-2023. Với hộ chiếu có gắn chip, công dân Việt Nam khi đi nước ngoài có thể tự làm thủ tục tại các cổng xuất cảnh điện tử, hiện có ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Hành khách khi xuất hoặc nhập cảnh có thể dễ dàng quét trang đầu hộ chiếu gắn chip, chụp hình nhận dạng trước camera rồi đi qua cổng tự động để đi nước ngoài hay trở về nước. Họ không cần phải trực tiếp làm thủ tục với nhân viên xuất nhập cảnh nên cũng không cần thủ tục đóng mộc trên hộ chiếu vì tất cả đều được quản lý bằng hệ thống máy tính.

Lãnh đạo Công an cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất xác nhận với báo chí rằng hệ thống máy quét hộ chiếu nhập khẩu từ châu Âu đã được lắp đặt tại ga quốc tế Tân Sơn Nhất đầu năm 2023 theo đề án của Cục Xuất nhập cảnh triển khai từ cuối năm 2022 đồng bộ trên cả nước. Hiện sân bay Tân Sơn Nhất đã được lắp đặt 10 máy quét hộ chiếu, gồm 5 máy phục vụ xuất cảnh và 5 máy cho khách nhập cảnh.

Bà Mai Thị Hoa (ở tỉnh Thừa Thiên - Huế) trao đổi với báo chí: Trước đây, mỗi lần nhập viện để chạy thận, bà phải mang theo thẻ BHYT, sổ khám bệnh và xuất trình CMND. Sau khi BHXH tỉnh triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để sử dụng CCCD gắn chip trong khám, chữa bệnh, giờ đây bà chỉ cần đưa CCCD có gắn chip cho nhân viên y tế là nhanh chóng được khám bệnh.

Các tiện ích cho công dân số đó có được dựa trên nền tảng đồng bộ dữ liệu, cụ thể là DLCN, từ nguồn dữ liệu chung do nhà nước quản lý là các CSDL quốc gia.

Thay đổi phương thức quản lý xã hội

Từ những kinh nghiệm thực tế triển khai trong thời gian qua cũng như dự phóng tương lai của chính quyền số, công dân số, xã hội số, Bộ Công an đang sửa đổi Luật CCCD ban hành năm 2014, thậm chí đổi tên thành Luật Căn cước. Đặc biệt, dự thảo luật này còn bổ sung các quy định về CCCD điện tử, trong đó nêu rõ trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp tài khoản định danh điện tử; sử dụng CCCD điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự trên môi trường điện tử.

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật CCCD (sửa đổi) ngày 14-4, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết qua hơn 7 năm thi hành, Luật CCCD hiện hành đã bộc lộ một số vướng mắc cần giải quyết. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Do đó, cần thiết phải sửa đổi luật hiện hành để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số. Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: "Luật Căn cước ra đời sẽ gắn liền với Luật Giao dịch điện tử. Nếu luật này không được thông qua thì Luật Giao dịch điện tử rất khó thực hiện vì người dân phải có công cụ, có định danh, phương thức trên điện tử thì mới thực hiện được. Đây cũng là bước phải thay đổi từ cách thức quản lý xã hội, giao dịch thông thường đến giao dịch điện tử".

Theo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, liên quan đến thông tin cá nhân, dự thảo Luật Căn cước quy định theo hướng mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành vào CSDL quốc gia về dân cư, CSDL căn cước. Việc tích hợp thông tin này nhằm trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ, thông tin người dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư. Bên cạnh đó, dự thảo luật đã chỉnh lý, bổ sung quy định về mối quan hệ giữa CSDL quốc gia về dân cư với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành để bảo đảm hiệu quả triển khai Đề án 06 của Chính phủ (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030).

Mỗi công dân có một số định danh cá nhân độc nhất và cũng là số CCCD. Khi CSDL quốc gia về dân cư và về căn cước đồng bộ với nhau và được liên thông với các cơ quan, tổ chức từ nhà nước tới dịch vụ, người dân chỉ cần nhập số CCCD là tất cả các thủ tục hành chính và dịch vụ sẽ lập tức được tự động hoàn tất thông tin có xác thực. Điều này đem lại nhiều lợi ích cả cho người dân lẫn cơ quan quản lý và dịch vụ. Tuy nhiên, bên cạnh việc đồng bộ hóa và liên thông về DLCN công dân, điều cực kỳ quan trọng, cũng tiểm ẩn nỗi lo về bảo mật, an toàn DLCN, thông tin nhân thân. Vì vậy, cần có các quy định pháp lý rõ ràng về việc lưu giữ, bảo mật và truy xuất DLCN của công dân.

Chú trọng bảo mật dữ liệu cá nhân

Trong những cuộc thăm dò ý kiến bạn đọc gần đây của báo chí, đại đa số người dân ủng hộ việc tích hợp thêm nhiều DLCN vào CCCD để tiện thực hiện các giao dịch, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ hành chính công. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị việc sửa đổi Luật CCCD lần này cần hướng đến bảo mật DLCN để người dân an tâm.

Nguồn: [Link nguồn]

Chuẩn hóa thông tin: Con số chính thức về lượng thuê bao bị khóa 2 chiều

Sau ngày 15/5, các thuê bao bị khóa 2 chiều, không chuẩn hóa thông tin đầy đủ sẽ bị thu hồi số theo quy định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngô Lê ([Tên nguồn])
Chuyển đổi số Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN