Nước đi mới của Việt Nam trong "cuộc cách mạng" bán dẫn
Việt Nam có rất nhiều lợi thế để tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn, tuy nhiên còn không nhiều thời gian.
FCC Partners Inc. (FCCP) - doanh nghiệp tư vấn tài chính hàng đầu tại Đài Loan (Trung Quốc) và tập đoàn FPT vừa ký kết bản ghi nhớ hợp tác (MOU) nhằm thúc đẩy đầu tư, thương mại hóa và phát triển toàn diện trong lĩnh vực công nghệ cao giữa hai bên. Từ đó, hai bên góp phần giúp Đài Loan và Việt Nam phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn.
Chủ tịch FCC Partner, ông CY Huang cho biết, hợp tác giữa FCC Partner và FPT sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển tại Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực như quỹ đầu tư, chất bán dẫn, phần mềm, giáo dục và chuyển đổi xanh.
Ông CY Huang - Chủ tịch Công ty FCC Partners.
“Đài Loan có thế mạnh lớn về các ngành công nghệ, đặc biệt là vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Việc hợp tác giữa Việt Nam và Đài Loan sẽ đem đến lợi ích lớn cho hai bên. Chúng tôi tin rằng, với bề dày của FPT trong lĩnh vực công nghệ cùng kinh nghiệm của FCC Partners, hai bên sẽ cùng nhau tạo nên những giá trị bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho hai doanh nghiệp cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực”, ông CY Huang nói.
Ông Trương Gia Bình thì khẳng định, thế giới sẽ không thể thiếu chip, vì vậy ngành bán dẫn sẽ không chờ quốc gia nào. Việt Nam, Đài Loan nói chung và FPT hay FCC Partners nói riêng cần nhanh chóng tham gia vào chuỗi bán dẫn toàn cầu.
“Tôi đã gặp nhiều chuyên gia, họ nhận định Việt Nam có rất nhiều lợi thế để tham gia vào ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, Việt Nam còn không nhiều thời gian để tận dụng cơ hội. Vì vậy, chúng ta cần có những cách làm đột phá và cần hợp tác với các bên như FCC Partners”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT.
Theo ông Trương Gia Bình, trong các lợi thế của Việt Nam, nguồn nhân lực là một trong những yếu tố cốt lõi, được các đối tác nước ngoài trông chờ nhất. Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, Việt Nam sẽ ngay lập tức nhận được sự tin tưởng của đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn.
Ông Trương Gia Bình đề xuất: Sau hợp tác này, hai bên sẽ trao đổi để tìm phương án xây dựng phòng nghiên cứu tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Chủ tịch FPT hy vọng FCC Partners sẽ kêu gọi các nhà đầu tư cùng đến Việt Nam để đào tạo nguồn nhân lực nhanh nhất có thể. Sau này, nhân lực Việt Nam có thể làm việc cho FPT hay doanh nghiệp khác, làm ở Việt Nam, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ… hay bất kỳ quốc gia nào.
Theo thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu thành lập Quỹ Đầu tư Phát triển Công nghiệp Bán dẫn Việt Nam, nhằm phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư nước ngoài ngành vi mạch bán dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo góp phần tăng trưởng ngành bán dẫn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, FCC Partners sẽ giới thiệu các đối tác và khách hàng tiềm năng, hỗ trợ FPT Software Đài Loan phát triển thị trường. Đồng thời, FCC Partners sẽ là cầu nối để tổ chức giáo dục FPT kết nối với các trường đại học tại Đài Loan, mở ra cơ hội hợp tác về giáo dục và đào tạo nhân lực cho cả hai bên.
Đó là phát biểu đầy tham vọng nhưng không hão huyền của Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Công nghệ thông tin Việt Nam.
Nguồn: [Link nguồn]