Bà Rịa - Vũng Tàu đã có sóng 5G, đang phát ở Bãi trước và Bãi sau biển Vũng Tàu
Viettel vừa khai trương mạng 5G tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trở thành nhà mạng đầu tiên triển khai mạng 5G tại tỉnh này.
Kỹ thuật viên Viettel đang lắp đặt một trạm thu - phát sóng 5G.
Ngày 24/9, ông Hoàng Văn Khiêm - Giám đốc Viettel tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, cách đây gần 6 năm, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh đầu tiên trên cả nước khai trương thử nghiệm dịch vụ 4G. Và nay Viettel là nhà mạng đầu tiên khai trương dịch vụ 5G trên địa bàn tỉnh này, đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành tỉnh/thành phố thứ 8 trên cả nước có sóng 5G.
Chi tiết hơn, ông Lê Văn Tuấn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trước mắt, Viettel đã lắp đặt và đang thực tế phát sóng 5G tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (thành phố Bà Rịa), khu vực Bãi trước và Bãi sau biển Vũng Tàu (thành phố Vũng Tàu).
"Trong thời gian tới, sau khi kết thúc giãn cách, tỉnh sẽ phối hợp với Viettel để mở rộng phạm vi phủ sóng mạng 5G. Viettel đã cam kết đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng 5G trên địa bàn tỉnh", Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin thêm.
Tốc độ download thực tế với mạng 5G của Viettel tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là hơn 1Gbps.
Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình Chuyển đổi số của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là đến năm 2025, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh, Internet, hướng đến tỉ lệ điện thoại thông minh đạt 100% dân số. Sự kiện khai trương mạng 5G tại Bà Rịa - Vũng Tàu đánh dấu mốc quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số này.
Ông Trần Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh việc phát triển, phủ sóng mạng 5G Viettel không những tạo điều kiện triển khai nhanh các dự án chính quyền số, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; mà còn tạo điều kiện thuận lợi để phổ cập sử dụng Internet chất lượng cao, giá rẻ, qua đó góp phần đẩy nhanh việc phát triển xã hội số.
Theo Viettel, mạng 5G với tốc độ siêu cao là nền tảng xây dựng nhà máy thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh, thành phố thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh,... Đến nay, Viettel vừa là đơn vị tiên phong trong việc triển khai 5G tại Việt Nam và cũng là nhà mạng duy nhất trên thế giới có năng lực nghiên cứu phát triển thiết bị 5G.
Trước đó, Viettel đã khai trương mạng 5G tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức (thuộc thành phố Hồ Chí Minh), Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Thừa Thiên - Huế, và đặt mục tiêu sớm mở rộng phạm vi mạng 5G ra 15 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hiện nay, các dòng máy có thể trải nghiệm mạng 5G của Viettel bao gồm: iPhone (iPhone 12, 12 Pro, 12 Pro Max, iPhone 13, 13 mini, 13 Pro và 13 Pro Max), Samsung (Galaxy S21, Galaxy S21+, Galaxy S21+ 5G, Galaxy S21 Ultra 5G, Galaxy Z Fold2 và Galaxy Z Fold3), Oppo (Find X2, K7, Reno6 Z và Reno6 5G), Nokia (8.3 5G), LG (Velvet 5G, V60 thinQ 5G, Q92 5G, Wing 5G và K92 5G), Realme (X50 Pro 5G), Huawei (P40, P40 Pro và P40 Pro Plus).
Tốc độ mạng 5G kỷ lục trong phòng thí nghiệm của Viettel.
Cách đây không lâu, Viettel cùng tập đoàn Ericsson và tập đoàn Qualcomm Technologies đã công bố việc hợp tác nghiên cứu, thử nghiệm và thiết lập thành công mạng 5G có tốc độ truyền dữ liệu hơn 4,7Gbps. Tốc độ này cao gấp 40 lần tốc độ 4G và gấp hơn 2 lần tốc độ 5G hiện có, giúp Viettel trở thành một trong những mạng viễn thông có tốc độ 5G nhanh nhất châu Á.
Để đạt tốc độ truyền dữ liệu kỷ lục 4,7Gbps, nhóm nghiên cứu của Viettel, Ericsson và Qualcomm Technologies đã sử dụng công nghệ kết nối kép vô tuyến E-UTRA New Radio Dual Connectivity (EN-DC) trên băng tần 800MHz với sóng cực ngắn (mmWave), giúp tăng tốc độ và mở rộng phạm vi phủ sóng 5G. Thiết bị vô tuyến được Viettel sử dụng là của Ericsson, còn thiết bị di động được trang bị bộ vi xử lý Snapdragon X60 của Qualcomm.
Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành thông tư Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy cập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất 5G (QCVN 126:2021/BTTTT). Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2022 với nhiều nội dung đáng chú ý, đặc biệt là về tốc độ tải xuống (download), tải lên (upload) và thời gian trễ (ping),... Theo đó, tốc độ download trung bình với một mạng 5G đạt tiêu chuẩn phải là ≥ 100Mbps; tốc độ tải lên upload trung bình phải ≥ 30Mbps. Riêng với thông số download, Bộ TT&TT bổ sung thêm quy định, phải ít nhất 95% số mẫu kiểm thử có tốc độ download ≥ 30Mbps. Ngoài ra, ping trung bình truy nhập dịch vụ phải ≤ 50ms, tỉ lệ truy nhập không thành công dịch vụ phải ≤ 5%. Phương pháp mô phỏng được Bộ TT&TT quy định như sau: Số lượng mẫu đo tối thiểu là 1.500 mẫu, phân bố cho các điều kiện đo kiểm trong nhà, ngoài trời tại các vị trí cố định và ngoài trời di động. Cùng với đó, dịch vụ trợ giúp khách hàng cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn: Thời gian cung cấp dịch vụ trợ giúp khách hàng qua điện thoại là 24 giờ trong ngày; Ít nhất 80% cuộc gọi tới dịch vụ trợ giúp khách hàng chiếm mạch thành công, gửi yêu cầu kết nối đến điện thoại viên và nhận được tín hiệu trả lời của điện thoại viên trong vòng 60 giây. |
Nguồn: [Link nguồn]
Tốc độ này cao gấp 40 lần tốc độ 4G và gấp hơn 2 lần tốc độ 5G hiện có.