"Nỗ lực để những con chip làm ở Hà Nội được thế giới chấp nhận"
Đó là phát biểu đầy tham vọng nhưng không hão huyền của Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Công nghệ thông tin Việt Nam.
Trong một sự kiện về công nghệ bán dẫn mới đây, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Công nghệ thông tin (VINASA) và là Tổng Giám đốc FPT cho biết, VINASA đã thành lập Ủy ban Phát triển Công nghiệp Chip bán dẫn Việt Nam để giúp doanh nghiệp CNTT nhanh chóng chuyển đổi thành doanh nghiệp bán dẫn.
Các "ông lớn" công nghệ có tiềm năng tài chính đang đầu tư mạnh vào mảng bán dẫn. (Ảnh minh họa)
“Chúng tôi sẽ nỗ lực để những con chip làm ở Hà Nội được thị trường thế giới, khách hàng quốc tế chấp nhận. VINASA đã hợp tác với Sở Thông tin & Truyền thông, cam kết đồng hành cùng thành phố phát triển chip bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Chúng tôi tư vấn, xây dựng chính sách đột phá; triển khai thúc đẩy thị trường trong nước và quốc tế; thúc đẩy đào tạo, chia sẻ tri thức, nghiên cứu triển khai công nghệ mới”, ông Nguyễn Văn Khoa khẳng định.
Còn theo ông Trần Đăng Hoà - Chủ tịch Công ty FPT IS kiêm Chủ tịch FPT Semiconductor, trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển trong ngành này. Hiện, Việt Nam đã được vào danh sách 7 quốc gia có thể nhận được hỗ trợ của Mỹ theo Đạo luật Chips Act để cải thiện sản xuất cũng như đào tạo nhân lực.
“Song song đó, chúng ta cũng sở hữu những điều kiện thuận lợi là nền tảng quan trọng để tăng tốc phát triển bán dẫn. Trên khía cạnh phát triển nguồn nhân lực, thế giới sẽ thiếu hụt 1 triệu nhân lực - đây là cơ hội cho tất cả thanh niên thế hệ mới của Việt Nam”, ông Trần Đăng Hòa nhận định.
Những đóng góp đối với ngành bán dẫn được ông Trần Đăng Hòa liệt kê rõ: FPT đã triển khai cung cấp các dịch vụ thiết kế vi mạch từ năm 2014, đến nay đã phát triển lên khoảng 150 kỹ sư, có đơn đặt hàng 70 triệu chip. Đại học FPT đang song hành đào tạo cả 3 hệ ngắn - trung và dài hạn, hợp tác với gần 20 trường đại học quốc tế, đóng góp vào mục tiêu của chính phủ có 50.000 - 100.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030.
“Với vai trò đơn vị tiên phong trong thiết kế công nghệ bán dẫn tại Việt Nam, chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2033 có 30.000 nhân sự bán dẫn, phát triển dòng chip nguồn, chip IoT và AI chip, góp phần phát triển ngành bán dẫn trong nước và khu vực”, ông Hoà khẳng định.
Nguồn: [Link nguồn]
Thế giới có thể sẽ thiếu 1 triệu nhân lực ngành bán dẫn tới năm 2023, và Việt Nam sẽ giải "cơn khát" này.