Những xu hướng định hình thị trường tài sản số toàn cầu
Việt Nam sẽ không đứng ngoài cuộc chơi khi thế giới tài sản số đang bùng nổ, với dự báo 10% GDP toàn cầu sẽ lưu trữ trên blockchain vào 2027.
Trong bối cảnh tài sản số không còn là khái niệm xa lạ, thị trường toàn cầu đang chứng kiến sự dịch chuyển sâu rộng cả về công nghệ lẫn pháp lý. Những biến động của thị trường tiền mã hóa giai đoạn 2021–2023 không làm lu mờ tiềm năng của lớp tài sản mới này. Ngược lại, các quốc gia, tổ chức tài chính và nhà đầu tư đang từng bước hướng tới cách tiếp cận bài bản, minh bạch và ổn định hơn.
Theo dự báo của World Economic Forum, đến năm 2027, khoảng 10% GDP toàn cầu có thể được lưu trữ trên các nền tảng blockchain thông qua các hình thức tài sản số. Trong khi đó, Boston Consulting Group ước tính quy mô thị trường tài sản số được token hóa có thể đạt 16.000 tỷ USD vào năm 2030. Cùng với đó là sự xuất hiện của các khung pháp lý mới từ châu Âu, Singapore, Nhật Bản cho đến Mỹ, nhằm kiểm soát, khuyến khích đổi mới sáng tạo và bảo vệ nhà đầu tư. Việt Nam cũng không đứng ngoài làn sóng này khi đang xúc tiến khung pháp lý thử nghiệm và nghiên cứu mô hình tài sản số phù hợp với điều kiện trong nước.
Dưới đây là ba xu hướng được đánh giá sẽ đóng vai trò định hình thị trường tài sản số toàn cầu trong 5 năm tới – vừa về mặt công nghệ, vừa về mặt chính sách.
Token hóa tài sản thực (RWA): Số hóa giá trị thế giới thực
Token hóa tài sản thực – hay RWA (Real World Assets) – là quá trình chuyển đổi các tài sản vật lý (như bất động sản, trái phiếu, hàng hóa, thậm chí tác phẩm nghệ thuật) thành các token kỹ thuật số trên blockchain. Những token này đại diện cho quyền sở hữu hoặc lợi ích trong tài sản gốc, cho phép chúng được giao dịch dễ dàng, nhanh chóng và minh bạch trên môi trường số.
Khái niệm này không còn mới, nhưng đang bước vào giai đoạn triển khai thực tế với quy mô ngày càng lớn. Theo BlackRock – công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới – token hóa là “làn sóng kế tiếp của thị trường tài chính”. CEO Larry Fink khẳng định: “Token hóa tài sản có thể thúc đẩy sự hiệu quả trong thị trường đầu tư, rút ngắn thời gian thanh toán và tăng cường tính minh bạch” (CNBC, 2023).
Hồng Kông, một trong những trung tâm tài chính hàng đầu châu Á, đã phát hành thành công trái phiếu xanh dạng token trị giá 800 triệu HKD vào đầu năm 2023, sử dụng nền tảng blockchain do Goldman Sachs phát triển. Tại châu Âu, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) cũng đã phát hành trái phiếu kỹ thuật số trên Ethereum, như một phần của chiến lược đổi mới tài chính. Thay vì phụ thuộc vào các kênh tài trợ truyền thống như ngân hàng hay phát hành cổ phiếu, doanh nghiệp có thể sử dụng token hóa để kêu gọi vốn từ cộng đồng, qua đó tăng cường sự linh hoạt tài chính và mở rộng quy mô hoạt động. Ví dụ như dự án KulaDao mới đây đã gọi được 9 triệu USD vốn đầu tư bằng cách token hóa tài sản khai thác mỏ, minh chứng cho tiềm năng của mô hình này trong việc kết nối vốn toàn cầu với các dự án thực tế.
Tại Việt Nam, RWA có tiềm năng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, tài sản công, hạ tầng, thậm chí các sản phẩm nông nghiệp có truy xuất nguồn gốc. Hiện Chính phủ đang giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan xây dựng Nghị quyết thí điểm để triển khai thử nghiệm tài sản số, với mục tiêu ban đầu là tạo “sân chơi có kiểm soát” cho các mô hình đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính – một bước đi mang tính chiến lược trong lộ trình số hóa nền kinh tế.
Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) và stablecoin: Nền móng cho hệ sinh thái tài chính số
Nếu như RWA là cách số hóa tài sản, thì CBDC và stablecoin lại là cách số hóa chính tiền tệ – thứ được dùng để định giá và thanh toán trong mọi hoạt động kinh tế. CBDC (Central Bank Digital Currency) là đồng tiền pháp định ở dạng kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành và kiểm soát. Trong khi đó, stablecoin là dạng tiền mã hóa được doanh nghiệp phát hành, có giá trị ổn định khi được neo vào một tài sản dự trữ như USD hoặc vàng.
CBDC và stablecoin là nền móng cho hệ sinh thái tài sản số.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tính đến cuối năm 2023, có tới 130 quốc gia – tương đương 98% GDP toàn cầu – đang nghiên cứu hoặc thử nghiệm CBDC. Trung Quốc hiện là quốc gia đi đầu, với đồng e-CNY đã được thử nghiệm trên hơn 200 triệu người dân tại 26 tỉnh thành. Tổng giá trị giao dịch e-CNY vượt 1.000 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 140 tỷ USD) chỉ sau vài năm triển khai.
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đang gấp rút hoàn thiện thiết kế kỹ thuật cho đồng Digital Euro, đồng thời EU đã chính thức áp dụng quy định Markets in Crypto-Assets (MiCA) – khuôn khổ pháp lý đầu tiên trên thế giới quản lý toàn diện tài sản mã hóa, trong đó có các loại stablecoin.
Ở châu Á, Singapore là hình mẫu về quản trị stablecoin. Năm 2023, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã ban hành bộ quy định yêu cầu các stablecoin phát hành tại nước này phải được bảo chứng 100%, có kiểm toán định kỳ và được hoàn đổi theo tỷ lệ 1:1 với đồng tiền pháp định gốc..
Công nghệ bảo mật Zero-knowledge proof (ZKP): Đảm bảo riêng tư trong thế giới phi tập trung
Một thách thức lớn với tài sản số là làm sao vừa đảm bảo minh bạch (theo yêu cầu của công nghệ blockchain), vừa bảo vệ quyền riêng tư cá nhân (theo yêu cầu pháp lý và đạo đức). Giải pháp được cộng đồng công nghệ toàn cầu quan tâm nhất hiện nay chính là Zero-knowledge proof (ZKP) – hay “bằng chứng không tiết lộ thông tin”.
Công nghệ bảo mật ZKP cần thiết cho sự phát triển của thế giới phi tập trung.
Công nghệ ZKP cho phép một bên chứng minh cho bên kia rằng họ biết một thông tin nào đó là đúng, mà không cần tiết lộ bản thân thông tin đó. Chẳng hạn, người dùng có thể xác minh rằng mình trên 18 tuổi để truy cập một nền tảng tài chính, mà không cần tiết lộ ngày sinh cụ thể. Ứng dụng của ZKP mở rộng ra nhiều lĩnh vực: từ định danh số, xác thực danh tính, đến giao dịch tài chính, bảo mật dữ liệu y tế...
Tại Mỹ, Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) đã đưa ZKP vào danh sách công nghệ trọng điểm cần chuẩn hóa đến năm 2025. Ở EU, khung định danh điện tử eIDAS 2.0 mới yêu cầu đảm bảo cả tính minh bạch và bảo mật, trong đó ZKP được đề xuất là công nghệ nền tảng. Trong hệ sinh thái blockchain, các giải pháp như zk-Rollups (trên Ethereum, Polygon) đang giúp tăng hiệu suất xử lý hàng nghìn giao dịch/giây mà vẫn đảm bảo tính riêng tư và chính xác.
Thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ với sự hỗ trợ từ công nghệ số và các chính sách đổi mới sáng tạo. Tài sản số – bao gồm token hóa tài sản thực, tiền kỹ thuật số, stablecoin, và các giải pháp công nghệ bảo mật như ZKP – không còn là câu chuyện của tương lai, mà đang dần trở thành một phần thực tế của thị trường tài chính hiện đại.
Đối với Việt Nam, đây là giai đoạn quan trọng để định hình hướng đi, từ xây dựng cơ sở pháp lý, thử nghiệm sandbox, cho đến phát triển nguồn lực công nghệ. Việc lựa chọn tiếp cận thận trọng nhưng chủ động sẽ giúp chúng ta tận dụng được lợi thế của người đi sau, học hỏi mô hình quốc tế, và xây dựng thị trường tài sản số phù hợp với đặc thù kinh tế, xã hội trong nước. Đây có lẽ là kim chỉ nam để Việt Nam định hình tương lai của mình trong kỷ nguyên tài chính số sắp tới.
Việc xây dựng khung pháp lý về tài sản số sẽ phải hoàn thành trong tháng 5-2025; từ nay đến đó, dòng tiền này vẫn chưa được quản lý
Nguồn: [Link nguồn]
-10/04/2025 04:52 AM (GMT+7)