Những ứng dụng giúp giảm thiểu thiệt hại do hỏa hoạn, mưa bão
Chúng ta đã đạt được rất nhiều tiến bộ về khoa học và công nghệ, nhưng vẫn chưa đủ để ngăn chặn mưa bão, cháy rừng, lũ quét…
Việc chúng ta có thể làm là dự đoán, phân tích và giảm thiểu tác động của các sự cố thiên tai. Ở mức tối thiểu, một ứng giám sát tình trạng giao thông có thể giúp bạn biết được khu vực nào đang mưa, kẹt xe, ngập nước… từ đó thay đổi lộ trình phù hợp.
1. Cách giảm thiểu rủi ro do hỏa hoạn, cháy nổ
Dạo gần đây, các vụ cháy nhà liên tục xảy ra trên khắp cả nước, đơn cử như vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, TP.HCM… khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương, chưa kể đến những thiệt hại về vật chất.
Cháy nổ, hỏa hoạn gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: Pexels
Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2021 cả nước đã xảy ra 1.723 vụ cháy, làm chết 72 người, 104 người bị thương, tổng tài sản thiệt hại ước tính hơn 330 tỉ đồng...
So với cùng kì năm 2020, số vụ cháy giảm 501 vụ, số người chết tăng 16 người, người bị thương giảm 3 người và thiệt hại về tài sản giảm 83,23 tỉ đồng.
Nguyên nhân của các vụ cháy được xác định chủ yếu là do chập điện (40%), 14,45% là do sơ suất, 2,21% do sự cố kĩ thuật… và số còn lại do các vấn đề khác.
Để hạn chế các rủi ro do cháy nổ, hỏa hoạn… bạn nên scan (quét) và lưu trữ bản sao của tất cả các tài liệu, giấy tờ cần thiết, đơn cử như giấy chứng nhận quyền sở hữu, bảo hiểm, hồ sơ y tế, giấy tờ tùy thân, bằng cấp bằng Adobe Scan, Microsoft Lens, PhotoScan…
Bên cạnh đó, bạn cũng nên sạc đầy pin cho các thiết bị điện tử, ví dụ như sạc dự phòng, đèn pin, đèn bàn, quạt tích điện… Đồng thời ghi lại tất cả các số quan trọng trên điện thoại của bạn, bao gồm cả số của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cơ quan chức năng địa phương, bệnh viện…
Đặc biệt, đối với người già và trẻ nhỏ, bạn nên chỉ họ cách gọi cứu hộ trong trường hợp khẩn cấp.
2. Cách giảm thiểu thiệt hại do mưa bão, lũ lụt
Bão có thể tàn phá nặng nề, nhưng thường có đủ thời gian để chúng ta chuẩn bị trước khi chúng ập đến.
Đầu tiên, bạn cần scan (quét) lại các giấy tờ cần thiết, thông tin cá nhân và lưu trữ chúng trong điện thoại, cũng như tải lên đám mây (Google Drive, OneDrive…).
Quét và lưu trữ các giấy tờ quan trọng lên đám mây. Ảnh: MINH HOÀNG
Tiếp theo, bạn cần bảo vệ, dự trữ nguồn nước, lương thực, thuốc men… đủ dùng ít nhất trong 7 ngày. Đồng thời đăng kí các gói dữ liệu 4/5G để có thể theo dõi tin tức, tình hình mưa bão lũ lụt ở các khu vực xung quanh, từ đó có hướng xử lý kịp thời.
3. Cách giảm thiểu thiệt hại do động đất
Các chuyển động địa chấn là một hiện tượng rất đặc biệt của tự nhiên, giống như sóng thần hoặc núi lửa phun trào. Tuy nhiên, động đất xảy ra thường xuyên hơn ở những khu vực có mảng kiến tạo kém ổn định.
Mặc định, điện thoại Android sẽ tự động gửi cảnh báo về các trận động đất có cường độ 4,5 độ Richter trở lên ở gần bạn (dựa vào dữ liệu vị trí gần đúng).
Kiểm tra thông tin động đất trên Google. Ảnh: MINH HOÀNG
Trong trường hợp động đất đã xảy ra, và bạn muốn tìm thêm thông tin về cơn địa chấn, bạn có thể gõ từ khóa “động đất tại [thành phố hoặc khu vực bạn sinh sống]” hoặc “động đất gần chỗ tôi” trên Google. Ví dụ, “động đất Việt Nam”.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cài đặt ứng dụng Earthquake Alert! hoặc My Earthquake Alerts - Map cho điện thoại để nhận cảnh báo sớm khi có động đất.
Theo hệ thống cảnh báo động đất trên Android, một trận động đất ước tính 4,7 độ Richter vừa xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vào lúc 14h08 tại Việt Nam.
Nguồn: [Link nguồn]